Sau đêm Trung thu, rác ngập khắp phố cổ Hà Nội, công nhân gồng mình dọn dẹp thâu đêm

Phương Ly - Thùy Anh Thứ bảy, ngày 30/09/2023 09:10 AM (GMT+7)
Sau đêm Trung thu, khắp các tuyến đường quanh phố đi bộ, bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tràn ngập rác thải. Các món đồ chơi sắc màu lại đi kèm với những chiếc cốc nhựa, túi nilon và nhiều vật dụng khác xả đầy lòng đường, vỉa hè... thậm chí còn bốc mùi xú uế.
Bình luận 0

Lễ tết và… rác sau ánh đèn đêm trung thu 

Mỗi dịp trung thu hay các ngày lễ tết, khu vực phố cổ ở thủ đô Hà Nội luôn là một trong những địa điểm tấp nập và nhộn nhịp nhất. Thế nhưng, từ một thiên đường vui chơi sạch đẹp, sau khi người dân rời đi, những tuyến phố này lại khoác lên mình vẻ ngoài "xấu xí" đến khó tin. 

Sau đêm Trung thu, rách thải chất chồng khắp phố cổ Hà Nội, nữ công nhân rọn rác thâu đêm - Ảnh 1.

Rác thải ngập ngụa sau khi một gian hàng được tháo dỡ trên phố Hàng Lược. Ảnh: Phương Ly

Chị Nguyễn Châu Anh (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Lên Hàng Mã mình muốn tìm một góc chụp ảnh cho có không khí trung thu, nhưng mọi người tới vui chơi rất đông, ngoài ra còn tình trạng một bên là đèn lồng, một bên là rác, nên là mình cảm thấy chụp được một bức ảnh đẹp khá là khó khăn. Chưa kể nó bốc mùi vô cùng khó chịu và gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế". 

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, rác tập kết thành các đống lớn, "được" vứt hiên ngang trên vỉa hè, đường đi quanh phố đi bộ. Trong đó, khu vực từ phố Hàng Mã đến phố Hàng Lược dài khoảng 500m là bừa bãi nhất. 

Sau đêm Trung thu, rách thải chất chồng khắp phố cổ Hà Nội, nữ công nhân rọn rác thâu đêm - Ảnh 2.

Rác thải bừa bãi giữa ngã tư Hàng Mã – Hàng Lược. Ảnh: Phương Ly

Anh Bạch Gia Huy (24 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: "Nhà mình kinh doanh các mặt hàng trang trí và phụ kiện ngay trên phố Hàng Lược. Theo quan sát của mình thì số lượng rác trung thu năm nay đã có dấu hiệu giảm đi nhiều so với các năm trước. Sắp nghỉ hàng thì mình cũng quét dọn xung quanh nữa cho rạp lều không bị vướng rác và mình cũng cố gắng dẹp gọn vào vỉa hè nhất có thể, để một phần giúp đỡ các cô chú lao công lát nữa đỡ khó nhọc hơn".  

Những câu chuyện về rác thải vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại trong mỗi mùa lễ hội. Thực trạng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" đang để lại những hình ảnh chưa đẹp về mỹ quan đô thị cũng như trách nhiệm gìn giữ vệ sinh môi trường của cộng đồng trong thời gian qua. 

Tâm sự nữ công nhân dọn rác sau trung thu lúc 0 giờ đêm 

3 giờ sáng thường sẽ là thời điểm mà ai cũng đã chìm sâu vào giấc ngủ. Thế nhưng, trên nhiều con phố, vẫn còn những người lao công âm thầm dọn dẹp đống rác vương vãi sau đêm hội trung thu náo nhiệt.

Lúc này, nhiệm vụ đổ dồn lên vai những công nhân vệ sinh môi trường. Họ phải vội vã làm "hết công suất" để trả lại đường phố trong sạch vào sáng hôm sau. Với lượng khách tham quan đông gấp nhiều lần ngày thường, nên dù có gần chục người công nhân cùng nhau dọn dẹp cũng không thấm vào đâu so với những "núi rác" ngổn ngang trước mặt.  

Sau đêm Trung thu, rách thải chất chồng khắp phố cổ Hà Nội, nữ công nhân rọn rác thâu đêm - Ảnh 3.

Những xe tải rác liên tục ra vào để vận chuyển rác ra khỏi khu vực phố cổ, dù đã 1-2 giờ sáng. Ảnh: P.L

Cô Nguyễn Thị Thùy (43 tuổi), công nhân vệ sinh môi trường phường Đồng Xuân cho biết: "Mấy ngày lễ có nhiều người qua lại nên thường thì rác thải chủ yếu là các bao ni lông và đồ ăn thừa từ những gian hàng trong hội chợ. Trong năm, ngoài dịp trung thu ra, thì đêm Giáng sinh và giao thừa là những dịp đông đúc nhất". 

Sau đêm Trung thu, rách thải chất chồng khắp phố cổ Hà Nội, nữ công nhân rọn rác thâu đêm - Ảnh 4.

Cô Nguyễn Thị Thùy (43 tuổi) công nhân vệ sinh môi trường phường Đồng Xuân chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: P.L

Ngồi nghỉ ngơi sau những giờ phút quét dọn mệt nhoài, cô Thùy chia sẻ, công nhân phải dọn dẹp, phân loại rác đến 5giờ sáng mới trở về nhà. Mỗi ca có 8 người, bắt đầu công việc từ 16 giờ chiều. 

"Tôi đã làm công việc này được 18 năm rồi. Năm nào cũng thế, lượng rác thải sau đêm trung thu rất nhiều, dù có vất vả hơn ngày thường nhưng vì yêu nghề, nên cũng thấy đỡ mệt mỏi đi vài phần. Dù vậy, cũng mong ý thức người dân được nâng cao để công việc của chúng tôi được nhẹ nhàng hơn" - nữ công nhân tâm sự. 

Các ánh đèn lung linh mùa lễ hội không chỉ thắp sáng niềm vui và không khí tưng bừng đêm trung thu, có lẽ nó còn chiếu rọi sự tận tâm của cả những con người lao động cống hiến sau cùng. Một đêm Trung thu tưng bừng cứ thế qua đi, phố phường lại "vẹn nguyên" màu xanh trong lành. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem