Sau học nghề, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai trồng trọt, chăn nuôi "mát tay" hơn hẳn

Hoàng Lộc Thứ tư, ngày 25/10/2023 09:05 AM (GMT+7)
Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) trang bị được những kinh nghiệm bổ ích để áp dụng và canh tác nông nghiệp.
Bình luận 0

Tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi

Vừa tham gia lớp học nghề về kỹ năng nuôi, phòng chống bệnh trên đàn trâu bò do địa phương tổ chức, chị Đinh Thị Chư (trú tại thôn Tnùng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cho biết, bản thân đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc nhận biết bò bị bệnh; phân biệt các loại thuốc điều trị và thực hành tiêm cho bò; cách ủ rơm làm thức ăn cho bò.

"Gia đình tôi có nuôi 6 con bò. Trước đây, bò chủ yếu được gia đình thả rông ngoài đồng, không quan tâm đến việc chăm sóc nên hay bị bệnh. Sau khi áp dụng các kiến thức đã được học từ lớp đào tạo nghề, tôi cùng với các học viên khác đã điều trị thành công. Hiện nay, con bò đã khỏe mạnh hơn", chị Chư vui mừng nói.

Sau học nghề, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai nâng cao kỹ năng canh tác nông nghiệp - Ảnh 1.

Các học viên của huyện Kông Chro được học cách nuôi, phòng chống bệnh trên đàn bò

Trong khi đó, tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro), từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp dạy nghề về kỹ năng trồng, chăm sóc cây khoai lang, khoai mỳ, bắp. Các lớp học đã thu hút tổng cộng 90 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Chị Đinh Thị Khuynh (thôn 2, xã Kông Yang) chia sẻ, gia đình có khoảng 3 sào bắp và 2 sào khoa mì. Về quy trình chăm sóc cây trồng, trước đây chị học hỏi các hộ dân trong vùng nhưng sau đó cây lại kém phát triển, hiệu quả kinh tế không cao.

Khi tham gia lớp học nghề, chị Khuynh đã biết cách bón phân lót cho cây trồng; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn hiệu quả và khi xuống giống phải đảm bảo khoảng cách giữa các cây trồng như thế nào.

"Sau khi áp dụng những kiến thức đã được học, cây khoa mì của gia đình tôi đã sinh trưởng, phát triển rất tốt. Chỉ sau 2 tháng, cây đã cao hơn 1m, lá xanh mơn mởn. Tôi sẽ chia sẻ những kiến thức đã được học cho bà con trong vùng để cùng nhau phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập", chị Khuynh chia sẻ.

Sau học nghề, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai nâng cao kỹ năng canh tác nông nghiệp - Ảnh 2.

Các học viên nhận biết các loại thuốc để tiêm phòng bệnh trên đàn vật nuôi

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang khẳng định, từ các lớp đạo tạo nghề, chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng, đáp ứng ngày càng hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều người dân đã áp dụng thành công vào quá trình sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập cải thiện so với trước.

Theo UBND huyện Kông Chro, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, địa phương đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp dạy kỹ năng chăm sóc một số loại cây trồng như bắp, khoai lang, mì, lúa nước và phòng bệnh trên đàn trâu, bò cho 359 học viên tại các tại xã Yang Trung, Ya Ma, Kông Yang và Đăk Kơ Ning.

Sau học nghề, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai nâng cao kỹ năng canh tác nông nghiệp - Ảnh 3.

Sau khi được học lớp đào nghề, chị Khuynh đã biết cách chăm sóc cây khoai mì của gia đình phát triển tốt

Hướng tới đào tạo nghề phi nông nghiệp

Ông Đỗ Hà Quang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro cho biết, thông qua các lớp đào tạo nghề, bà con đã trau dồi thêm nhiều kiến thức về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngay tại chân ruộng và trên những đàn bò.

"Từ đó, một số hộ dân đã biết cách tìm giống cây trồng chất lượng, chọn thời điểm bón phân thích hợp, qua đó cho năng suất cao hơn. Đối với đàn vật nuôi, bà con đã biết tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ cũng như cách phòng chống bệnh hiệu quả hơn. Thời gian tới, huyện sẽ định hướng đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp để giúp người dân có thể áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả", ông Quang chia sẻ.

Sau học nghề, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai nâng cao kỹ năng canh tác nông nghiệp - Ảnh 4.

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Kông Chro đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho 359 học viên tại các tại xã Yang Trung, Ya Ma, Kông Yang và Đăk Kơ Ning

Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, những năm qua, việc đào nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện chú trọng tuyên truyền, triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện cũng coi việc đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.

"Thông qua các lớp đào tạo, người dân trên địa bàn huyện sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng mềm trong sản xuất nông nghiệp để qua đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương", ông Súy thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem