Nông dân hotboy ở Vĩnh Long bắt tay với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen, cùng nhau khá giả

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 23/10/2023 06:33 AM (GMT+7)
Anh Nguyễn Phú Vinh (33 tuổi, ngụ ở phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen, cung ứng sản phẩm ốc thịt và trứng ốc, ốc giống ra thị trường.
Bình luận 0

Theo anh Vinh, anh đang liên kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen. Những hộ liên kết với anh sẽ được cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm.

Chàng trai Vĩnh Long liên kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Phú Vinh ngụ ở phường 9, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: H.X

Chàng trai Vĩnh Long liên kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen - Ảnh 2.

Ốc bươu đen do anh Nguyễn Phú Vinh ở Vĩnh Long nuôi. Ảnh: H.X

Đây là những hộ dân có vườn sẵn ở vùng nông thôn nhưng chưa tận dụng diện tích mặt ao để tăng thêm thu nhập. Theo tính toán, với 1.000m2 diện tích vườn, có thể thu về từ 1 - 1,5 tấn ốc thương phẩm/năm.

Trước đó, năm 2019, nhận thấy ốc bươu đen có tiềm năng, thị trường lớn, anh Vinh cùng với một người bạn mạnh dạn hùn nuôi. Theo đó, anh Vinh đảm nhận công việc kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, còn người bạn lo về khu vực nuôi (rộng khoảng 6.000 m2 tại cù lao Quy thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Lúc đầu anh Vinh nuôi thử nghiệm khoảng 2.000 m2, do chưa có kinh nghiệm nên gặp thất bại, lỗ gần 100 triệu đồng. Không nản lòng, a Vinh tiếp tục đi tìm tòi học hỏi, dần hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi ốc bươu đen theo cách thuần tự nhiên đã đem lại thành công.

"Cách nuôi của tôi là tạo môi trường sống cho ốc bươu đen gần giống ở ngoài thiên nhiên nhất có thể. Cụ thể, là trồng các loại cây thủy sinh trong ao như bông súng, rong, bèo…Với cách làm này, nguồn nước trong ao luôn sạch, độ PH trong nước ổn định, từ đó ốc sinh trưởng tốt, không bị sốc khi mưa nhiều" - anh Vinh nói.

Riêng về thức ăn cho ốc bươu đen, anh Vinh sử dụng thức ăn tự nhiên như rau, củ, trái cây, không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, thuốc để đảm bảo con ốc được sạch và an toàn.

Với kỹ thuật nuôi nói trên, từ 4,5 - 5 tháng sau khi thả nuôi, ốc thường đạt trọng lượng từ 25 - 30 con/kg, có thể bán thương phẩm. Riêng ốc nuôi từ 5 - 5,5 tháng có thể cho sinh sản.

Không chỉ bán ốc bươu đen thịt, trứng và ốc bươu đen giống, thời gian gần đây anh Vinh còn nghiên cứu ra sản phẩm ốc gác bếp.

Chàng trai Vĩnh Long liên kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Phú Vinh giới thiệu về ốc gác bếp. Ảnh: H.X

Chàng trai Vĩnh Long liên kết với hơn 200 hộ dân nuôi ốc bươu đen - Ảnh 4.

Anh Vinh nhận định, ốc bươu đen ngoài môi trường tự nhiên ngày càng ít, trong khi đó nhu cầu từ các quán ăn, nhà hàng rất cao nên thị trường còn rất rộng. Ảnh: H.X

Khi hỏi về cách làm ốc gác bếp ngon, anh Vinh cho biết, sau khi thu mua từ những hộ dân liên kết sản xuất, anh sẽ lựa ra những con ốc mập, to đưa vào phòng ít ánh sáng, trong này được thiết kế kệ cho ngủ khoảng 2 tháng. Trong thời gian ngủ, con ốc bươu đen sẽ chuyển hóa năng lượng tích trữ để nuôi thân nên vỏ mỏng, có thể vận chuyển xa.

Được biết, với giá trứng ốc 500.000/kg, ốc giống từ 200-250 đồng/con và ốc gác bếp giá 250.000 đồng, anh Vinh đạt doanh thu gần 170 triệu đồng/tháng.

Anh Vinh nhận định, ốc bươu đen ngoài môi trường tự nhiên ngày càng ít, trong khi đó nhu cầu từ các quán ăn, nhà hàng rất cao nên thị trường còn rất rộng.

Do vậy, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục cải thiện kỹ thuật nuôi ốc bươu đen để đạt được kết quả tốt hơn, đặc biệt là khâu giảm chi phí đầu tư. Đồng thời dự định sẽ mở thêm 1 trang trại chuyên nuôi ốc lác đồng.

Việc làm trên ngoài việc giúp chàng trai 33 tuổi ở Vĩnh Long tăng thêm thu nhập mà còn góp phần vào việc giải quyết việc làm cho người dân ở các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem