Sau "lùm xùm" bỏ cọc đất Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại lấn sân sang mảng chứng khoán?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 11/02/2022 10:19 AM (GMT+7)
Trên các diễn đàn chứng khoán đang lan truyền hình ảnh standee có tên "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh", thông báo chi nhánh của công ty này chính thức hoạt động ở TP.HCM từ ngày 10/2. Thực hư ra sao?
Bình luận 0
Sau "lùm xùm" bỏ cọc đất Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại lấn sân sang mảng chứng khoán? - Ảnh 1.

Standee có tên "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh" đang lan truyền trên các diễn đàn chứng khoán. Ảnh: Internet

Sau "lùm xùm" đấu giá lô đất Thủ Thiêm với giá không tưởng 2,4 tỷ đồng/m2 rồi bỏ cọc, mới đây, cái tên Tân Hoàng Minh lại tiếp tục được chú ý khi xuất hiện tên "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh" ngay trong ngày vía Thần Tài (10/2).

Chứng khoán Tân Hoàng Minh là tên gọi mới của Chứng khoán Sen Vàng?

Hồi cuối năm 2021, cái tên Tập đoàn Tân Hoàng Minh được giới đầu tư đặt dấu hỏi liên quan thâu tóm Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và các cổ đông khác.

Cụ thể, Cong ty CP Chứng khoán Sen Vàng được thành lập từ ngày 21/12/2007, với vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Nhóm cổ đông sáng lập công ty này bao gồm một loạt tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản, xây dựng nhưng nắm giữ tỷ lệ lớn nhất là 2 nhóm cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (TDH).

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nắm quyền chi phối khi sở hữu 5,74 triệu cổ phiếu GLS, tương đương tỷ lệ sở hữu 42,53%.

Ngoài ra, ông Lê Viết Hòa và Lê Viết Hiếu, hai người con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, cũng lần lượt sở hữu 22,49% và 9,29% vốn tại đây.

Cổ đông lớn thứ 2 tại Chứng khoán Sen Vàng là Thuduc House với 22,49% vốn nắm giữ.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, phía Thuduc House đã tuyên bố thoái hết vốn tại Chứng khoán Sen Vàng. Sau đó gần nửa năm, vào ngày 26/11/2021, tới lượt Hòa Bình cũng đã chuyển nhượng toàn bộ vốn cho các cá nhân là Nguyễn Khoa Đức (10,18%), Phùng Thị Cẩm Nhung (10,18%), Cao Tấn Thành (10,18%) và Chu Tuấn An (11,97%).

Cùng ngày, ông Lê Viết Hòa cũng chuyển nhượng 3,04 triệu cổ phiếu GLS cho 3 cổ đông là Nguyễn Anh Dũng (10,18%), Vũ Đình Hưng (5%) và Lê Thị Mơ (7,31%).

Còn ông Lê Viết Hiếu cũng bán toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu GLS cho bà Trần Phương (9,29%).

Đáng chú ý, một ngày trước thương vụ sang tay này, ban lãnh đạo của Chứng khoán Sen Vàng cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Vũ Đình Hưng (nắm 5% vốn) được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn ông Chu Tuấn An (nắm 11,97% vốn) giữ chức Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng ban Kiểm soát.

Sau "lùm xùm" bỏ cọc đất Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại lấn sân sang mảng chứng khoán? - Ảnh 2.

Chứng khoán Sen Vàng có phải sẽ đổi tên thành Chứng khoán Tân Hoàng Minh?

Cần nói thêm, các lãnh đạo cấp cao này đều ít nhiều liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ví dụ như ông Chu Tuấn An - Tổng giám đốc GLS, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng từng công tác tại Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil (một thành viên của Tân Hoàng Minh).

Một cổ đông mới tại Chứng khoán Sen Vàng là ông Nguyễn Khoa Đức (nắm 10,18% vốn), lại là người đại diện pháp luật Công ty CP Cung điện Mùa Đông (công ty con của Tân Hoàng Minh).

Chứng khoán Sen Vàng đang làm ăn ra sao?

Trên website của công ty, Chứng khoán Sen vàng mới chỉ công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của năm 2021. Theo báo cáo này, tính đến tháng 6/2021, công ty này chỉ có tổng tài sản - nguồn vốn đạt hơn 41 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ đã là 135 tỷ. Nguyên nhân dẫn tới tổng tài sản thấp hơn vốn điều lệ là do công ty đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng đến ngày 30/6/2021.

Trong nửa đầu năm 2021, công ty chứng khoán này chỉ ghi nhận hơn 9,7 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế gần 1,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, doanh thu kỳ gần nhất của Chứng khoán Sen Vàng đã tăng 46% trong khi lợi nhuận tăng mạnh từ mức lỗ hơn 9 tỷ đồng.

Ngoài khoản lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng, vượt quá 50% vốn điều lệ tại tháng 6/2021, ảnh hưởng của các khoản mục tài sản bị ngoại trừ (giá trị hao mòn lũy kế của tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình với giá trị lần lượt là 3,19 tỷ đồng và 3,82 tỷ đồng), đã làm giảm vốn chủ sở hữu công ty này thêm hơn 7 tỷ đồng.

Như vậy, khoản lỗ lũy kế mà GLS sẽ phải tăng thêm hơn 7 tỷ đồng (lên hơn 105 tỷ đồng). Vì vậy, công ty chứng khoán này cũng bị phía kiểm toán nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem