Theo khảo sát của Dân Việt, biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Chẳng hạn, ACB vừa tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,3-0,5%, nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,7% lên 6%; 9 tháng từ 5,9% lên 6,2%; 12 tháng từ 6,1% lên 6,4%/năm.
Với gói tiết kiệm Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi kỳ hạn 6 tháng, số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 6,1%/năm thay vì 6%/năm.
Đối với gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lãi suất cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 6,1%/năm tại kỳ hạn 6 tháng khi khách hàng gửi dưới 500 triệu đồng. Cùng kỳ hạn này, khách hàng gửi trên 500 triệu đồng, lãi suất là 6,2%/năm (tăng 0,1 điểm % so với trước). Riêng khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus lãi suất lên 6,4%/năm.
Ngoài ra, ACB còn có sản phẩm tiền gửi với lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.
Tương tự, biểu lãi suất tiết kiệm tại MB cũng đã có một số thay đổi so với đầu tháng 8. Theo đó, tại kỳ hạn ngắn, 7 tháng, 8 tháng, MB đã tăng lãi suất tiền gửi từ 5%/năm lên 5,3%/năm.
Tại kỳ hạn dài, 36 tháng, lãi suất tiền gửi của MB cũng tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm. Tại kỳ hạn 48 tháng, 60 tháng, lãi suất tăng khá mạnh là 0,4 điểm % lên 6,8%/năm.
Bac A Bank mới áp dụng biểu lãi suất mới tăng ở đa số các kỳ hạn kể từ ngày 26/8. Đối với kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất tiền gửi của ngân hàng tăng 0,1% lên mức 4%/năm.
Với kỳ hạn 6-7 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,15% lên 6,5%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 12 tháng trở lên, Bac A Bank tăng lãi suất thêm 0,1 điểm % lên 6,9-7%/năm.
NamABank mới đây đã áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 24/8. Tuy nhiên, lãi suất cao nhất tại NamABank vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở nên khi gửi tiết kiệm online. Đối với hình thức gửi tại quầy, biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng.
Thống kê của Dân Việt cũng cho thấy, lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về ABBank là 8,8%/năm. Tuy nhiên, điều kiện để nhận lãi suất 8,8%/năm là dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm xuất hiện ở một số ngân hàng như SCB (7,6%/năm); KLB (7,3%/năm); Techcombank (7,1%/năm);…
Khối ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank, VietcomBank, BIDV và Agribank, biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn đứng ở mức 5,6%/năm – thấp nhất hệ thống.
Áp lực bủa vây Ngân hàng Nhà nước
Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree đánh giá, trong khi các kênh đầu tư phổ thông như chứng khoán, bất động sản hay vàng đều chậm lại và suy giảm, tiền gửi, đặc biệt tiền gửi vào ngân hàng lại là kênh đầu tư ổn định nhất 8 tháng đầu năm 2022. Một trong những nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm đã tăng lên.
"Có những ngân hàng chấp nhận trả đến 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Nguyên nhân, là do tăng trưởng tín dụng năm nay nóng nhất và cao nhất trong 3 năm dịch bệnh (trên 9% ngay từ tháng 6). Điều này khiến cho nhiều ngân hàng muốn tăng lãi suất tiết kiệm cao lên, tạo một nền lãi suất hấp dẫn hơn đối với người gửi tiền", ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 1 tháng trở lại đây các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %, cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi có thêm sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh.
Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng huy động vốn vẫn lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng. Đây sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy đà tăng hiện có của lãi suất huy động, điều này có thể dẫn tới lãi suất cho vay tăng mạnh trong nửa cuối năm.
Bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ ngày càng rõ.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngành ngân hàng đang chịu áp lực "ba bề, bốn bên" chẳng hạn như người dân gửi tiền thì mong lãi suất cao để bù đắp lạm phát, trong khi doanh nghiệp đi vay lại muốn lãi suất giảm.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ luôn kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, đặt an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng dường như vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.