Sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Quy hoạch vùng trồng, ngăn phát triển "nóng"
Sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Quy hoạch vùng trồng, ngăn phát triển "nóng"
Duy Hậu
Thứ sáu, ngày 23/09/2022 17:13 PM (GMT+7)
Sầu riêng đặc biệt thích nghi với vùng đất đỏ bazan, vì thế có thể nói Đắk Lắk có lợi thế rất lớn để phát triển cây trồng này. Cùng lợi thế đó, sầu riêng Đắk Lắk đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, do đó tỉnh này đang hướng đến việc nâng cao chất lượng, tránh phát triển "nóng".
Sầu riêng Đắk Lắk phát triển "nóng", thiếu quy hoạch
Nếu năm 2016, sầu riêng Đắk Lắk chỉ có khoảng 2.700ha thì đến nay, con số này đã lên đến 15.100ha, tức tăng gần 6 lần. Loại cây trồng này đã phát triển "nóng" khi giá sầu riêng vào những năm 2016-2017 có lúc lên đến khoảng 100.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng tăng cao, chỉ sau 5 năm diện tích sầu riêng ở Đắk Lắk đã tăng lên gấp gần 6 lần. Ảnh: Duy Hậu
Thời điểm 2017, mặc dù đa phần cây sầu riêng chỉ được trồng xen nhưng mỗi ha, nông dân có thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Bởi mỗi ký sầu riêng lúc đó có giá trung bình từ 70-80 ngàn đồng.
Ông Đinh Văn An (thôn Ea Ksô, xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, Đăk Lăk) nói: "Thời điểm cuối năm 2017, gia đình tôi chỉ có 2 cây sầu riêng. Sau khi hái quả cho con cháu, biếu bà con, số còn lại cũng bán được 5 triệu đồng".
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này hiện có 43.159ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích sầu riêng chiếm đến 35%.
Sầu riêng Đắk Lắk hiện vẫn còn hàng chục ngàn tấn chưa được xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Duy Hậu.
Nếu trước đây, Krông Pắc là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk thì nay đã tụt xuống vị trí thứ 2. Hiện tại huyện Krông Năng, diện tích sầu riêng đã đạt đến 4.173 ha, cao hơn huyện Krông Pắc gần 500ha.
Tuy nhiên, năng suất sầu riêng của Krông Năng thấp hơn của Krông Pắc khoảng 30 ngàn tấn, đạt hơn 41 ngàn tấn/năm, do diện tích trồng mới khá lớn.
Một số địa phương cũng có diện tích sầu riêng lớn như: các huyện Ea H'Leo, Krông Búk, và TX.Buôn Hồ với diện tích từ hơn 1.100ha đến hơn 1.700ha. Đáng chú ý, việc phát triển sầu riêng trong thời gian qua tại Đắk Lắk đều do người dân trồng tự phát, không theo bất cứ quy hoạch nào của địa phương.
Một vườn sầu riêng của nông dân tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk có mã vùng trồng được phép xuất khẩu. Ảnh: Duy Hậu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cũng khẳng định, sầu riêng của Đắk Lắk hiện tại phát triển rất mạnh, sản lượng hàng năm lên đến 150 ngàn tấn. Dự kiến trong vòng 3 năm nữa, sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk sẽ tăng lên gấp đôi.
"Trong tương lai, để cây sầu riêng không bùng phát mạnh, tỉnh sẽ có quy hoạch cụ thể các vùng trồng sầu riêng và liên kết các vùng với nhau. Và về cơ bản việc trồng sầu riêng phải đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn"- ông Y Giang Gry nói.
Tăng cường quản lý chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu, hướng tới chế biến sâu
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, đối với cây sầu riêng hiện có 66 mã vùng trồng, với diện tích khoảng 1.500ha. Trong số 66 mã vùng trồng này có 23 mã được phép xuất khẩu sầu riêng.
Như vậy, hiện đang có hơn 90% diện tích sầu riêng Đắk Lắk chưa có mã vùng trồng. Trong khi đó, mã vùng trồng là một trong những tiêu chí quan trọng không thể thiếu trong việc xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là tiêu chí để khẳng định chất lượng của sầu riêng nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Theo ông Y Giang Gry, đây chính là thách thức đối với sầu riêng Đắk Lắk. Bởi thực chất, các nội dung của Nghị định thư mà Việt Nam ký kết với Trung Quốc là các yêu cầu về kỹ thuật mà đơn vị xuất khẩu phải đáp ứng.
Vì thế, thời gian tới, các doanh nghiệp phải "đi cùng nhau" để chung sức xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường xuất khẩu đối với quả sầu riêng. Đối với hộ trồng sầu riêng và các hợp tác xã cần làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng...
"Sắp tới với sản lượng sầu riêng lớn như vậy thì Đắk Lắk không chỉ xuất khẩu sầu riêng tươi mà chúng tôi hướng tới chế biến sâu để tạo ra được nhiều sản phẩm từ cây sầu riêng và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới"- ông Y Giang Gry nói thêm.
Công nhân tại một cơ sở đóng gói đang kiểm tra quả sầu riêng trước khi đưa vào đóng gói để xuất khẩu. Ảnh: Duy Hậu.
Còn theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc- địa phương có sản lượng sầu riêng lớn nhất Đắk Lắk- những năm qua, nhằm chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, huyện đặc biệt chú ý đến việc xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sơ đóng gói cũng như sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đến nay, Krông Pắc đã có 45 vùng trồng được cấp mã với diện tích hơn 1.100ha. Trong đó có 17 mã vùng trồng được phía Trung Quốc phê duyệt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng.
Theo bà Trinh, thời gian tới, địa phương sẽ áp dụng chuyển đổi số để quản lý việc sản xuất cũng như quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng. Trước mắt, huyện sẽ áp dụng đối với các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có mã số vùng trồng được xuất khẩu sau đó sẽ mở rộng ra toàn huyện.
Cũng theo bà Trinh, huyện vẫn đang tiếp tục vận động tuyên truyền nông dân trồng sầu riêng hướng đến việc nâng cao chất lượng. Sản xuất đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.
"Khi vườn sầu riêng đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì nông dân không phải lo về giá cả nữa. Từ những mô hình này, chúng tôi sẽ tuyên truyền và nhân rộng ra"- bà Trinh nói.
Bà Trinh cho biết thêm, nhằm tránh các rủi ro cho nông dân, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm hơn từ quả sầu riêng. Hiện huyện đã có quy hoạch và một số doanh nghiệp cũng đã đàm phán ký biên bản ghi nhớ với huyện về việc xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cũng nhận định, để nâng cao giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng, chính quyền địa phương cần chủ động kêu gọi đầu tư, theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho người sản xuất.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, cơ sở đóng gói nông sản có trang thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó cần gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, tạo mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân, đảm bảo sản xuất trái cây chất lượng cao, ổn định lâu dài,… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Ông Huỳnh Ngọc Dương- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, sầu riêng Đắk Lắk đang có thế mạnh cả về diện tích và sản lượng. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của sầu riêng Đắk Lắk là thu hoạch lệch vụ so với các vùng khác.
Do đó, về lâu dài, ngành nông nghiệp phải tổ chức sản xuất sầu riêng bền vững theo những tiêu chuẩn định hướng của thị trường.
"Thị trường Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường dễ tính nữa. Khi tham gia được vào thị trường Trung Quốc thì chúng ra sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường thế giới"- ông Dương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.