Sầu riêng tăng "sốc" gần 100.000 đ/kg, nông dân ám ảnh nạn bảo kê

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 29/09/2018 13:42 PM (GMT+7)
Nếu năm ngoái giá sầu riêng giữa vụ chỉ khoảng 50.000 đồng/kg thì nay ở một số nơi, giá sầu riêng đã lên đến 94.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó, nông dân lại bị ám ảnh bởi nạn bảo kê xuất hiện khắp nơi.
Bình luận 0

Trồng phụ, thu chính

Cách đây hơn 20 năm, ông Nguyễn Hồng Ân (thôn Đức Vinh, Đức Mạnh, Đăk Mil, Đăk Nông) trồng 150 cây sầu riêng để che bóng cho cà phê.

"Hồi đó, tôi chỉ trồng để ăn chơi và để làm cây che bóng cho cà phê nên trồng giống truyền thống và gần như không chăm sóc gì. Vậy mà không ngờ, mấy năm qua, mặc dù đã quá "lớn tuổi", nhưng số sầu riêng này gần như trở thành thu nhập chính cho gia đình. Đặc biệt năm nay, vườn sầu riêng mang về cho gia đình tôi hơn 400 triệu đồng”.

img

Với mức giá trung bình 70.000 đồng/kg, nhiều nông dân trồng sầu riêng thu về vài tỷ đồng. 

Bà Lê Thị Thanh Xuân (thôn Đức Nghĩa, xã Đức Mạnh) năm nay cũng đút túi khoảng 200 triệu đồng từ 20 cây sầu riêng giống Thái Lan và 30 cây sầu riêng giống thường. Cũng như ông Ân, trước đây bà Xuân chỉ trồng sầu riêng với mục đích làm cây che bóng cho vườn cà phê. "Mấy năm nay cà phê rớt giá, may có mấy chục cây sầu riêng gỡ lại" - bà Xuân nói.

Tại huyện Krông Pắk (Đăk Lăk), năm nay, nhiều nông dân thu tiền tỷ từ sầu riêng. Ông Hà Văn Hào (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) nói: "230 cây sầu riêng giống Đôna và Ri6 của gia đình năm nay cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả. Với giá hiện tại, gia đình dự kiến sẽ thu khoảng 2 tỷ đồng".

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Păk, cho biết, so với năm ngoái, năm nay năng suất sầu riêng trên địa bàn huyện tăng cao, đạt khoảng 25.000 tấn. Với mức giá trung bình đạt gần 70.000 đồng/kg, nhiều nông dân thu về 5-6 tỷ đồng. Và với khoảng 1.000ha sầu riêng đang kinh doanh, vụ sầu riêng năm nay, nông dân Krông Păk thu về khoảng hơn 1.500 tỷ đồng.

img

Giá sầu riêng tăng chóng mặt, người dân thu lãi lớn.  Ảnh:  T.L

Ngay sau khi diện tích sầu riêng có xu hướng tăng mạnh, khó kiểm soát, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có Công văn 844 ngày 25.7.2018, gửi các tỉnh thành phía Nam chỉ đạo, khuyến cáo nông dân chỉ phát triển sầu riêng ở những vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp, theo định hướng phát triển hàng hóa tập trung, sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng.

Tại huyện Krông Năng (Đăk Lăk), ở thời điểm hiện tại, một số vườn sầu riêng chất lượng tốt được thương lái thu mua với giá 94.000 đồng/kg. Như vậy với khoảng 2.200ha sầu riêng đang kinh doanh, nông dân Đăk Lăk thu về khoảng 4.000 tỷ đồng trong vụ sầu riêng này.

Lo lắng nạn bảo kê

Cùng với niềm vui được mùa, được giá, những năm qua, nông dân trồng sầu riêng vẫn luôn bị ám ảnh với tình trạng bảo kê thu mua sầu riêng. Chỉ mới vào đầu vụ, Công an huyện Cư M'Gar (Đăk Lăk) đã bắt nhiều đối tượng đòi thu tiền bảo kê thu mua sầu riêng.

Tại cơ quan điều tra, nhóm đối tượng này thừa nhận đã dùng hung khí, ép thương lái phải nộp 1.500 đồng/kg sầu riêng thu mua được.

Cách đây 1 tháng, Công an huyện Krông Búk (Đăk Lăk) cũng đã bắt giữ Phạm Văn Lương (31 tuổi, trú xã Cư Né, huyện Krông Búk) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra của Công an huyện Krông Búk, Lương đã "chỉ đạo" cho hàng chục đối tượng trong nhóm của mình phục các ngả để chặn đường thương lái thu mua sầu riêng đòi tiền bảo kê.

Cứ mỗi tấn sầu riêng mua được, Lương buộc thương lái nộp 2 triệu đồng. Nếu ai không chịu chung chi sẽ lập tức bị đàn em của Lương uy hiếp, đánh đập. Ngoài ra, nhóm đối tượng này còn "ngăn sông, cấm chợ" để buộc người dân phải bán sầu riêng với giá thấp hơn thị trường cho chúng.

Tại huyện Krông Năng, hiện sầu riêng vẫn chưa thu hoạch rộ nhưng theo nhiều người dân, những ngày gần đây có một số đối tượng "trấn giữ" ở một số nẻo đường. Một người dân tại xã Ea Tân cho biết, nhiều ngày qua, khi người dân bắt đầu bán sầu riêng thì có một nhóm khoảng 5-6 người "trấn" tại ngã ba thôn Thanh Cao (cửa ngõ vào xã Ea Tân) để ngăn thương lái.

"Sáng 27.9, có một xe chở khoảng 5-6 người đến rồi lởn vởn ở đó. Họ chủ yếu ép thương lái để thu tiền bảo kê nhưng người dân chúng tôi cũng hết sức lo lắng vì như thế người dân cũng sẽ bị ép giá" - người này nói.

Đại tá Đỗ Văn Xuyền -Trưởng Công an huyện Krông Búk, cho biết, để bắt được đối tượng Phạm Văn Lương, cơ quan điều tra đã phải mất nhiều thời gian. Bởi hiện nay đang có hiện tượng các thương lái liên kết với các đối tượng bất hảo để tranh giành việc thu mua sầu riêng cũng như nông sản. Mặt khác, người dân cũng như các thương lái không mạnh dạn tố cáo các đối tượng này với cơ quan điều tra nên rất khó tìm được manh mối.

Vì vậy, để dẹp nạn bảo kê sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung, ngoài nỗ lực của cơ quan công an thì người dân cũng phải nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, mạnh dạn tố cáo khi phát hiện các đối tượng phạm tội. Có như vậy cơ quan điều tra mới nhanh chóng có được những manh mối để kịp thời ngăn chặn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem