Sau thời gian nghỉ dài, học sinh và người lao động đi học, đi làm cần làm gì để phòng Covid-19?

Diệu Thu Thứ năm, ngày 23/04/2020 08:04 AM (GMT+7)
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có những khuyến cáo cực kỳ cần thiết đối với người dân sau khi hết thời hạn cách ly xã hội.
Bình luận 0

Tổng số ca mắc tại Việt Nam đến 6h ngày 23/4 là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này, đã 7 ngày (từ 6h sáng 16/4 đến 6h sáng 23/4) Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới..

Đặc biệt, tính từ hôm nay, ngày 23/4, Hà Nội, TPHCM và 10 tỉnh thành khác sẽ hết thời hạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, tới đây, học sinh sinh viên và công nhân, người lao động sẽ đi làm trở lại...

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Dù dịch bệnh đang được kiểm soát và tình hình tốt lên, nhưng điều quan trọng trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là không được chủ quan.

img

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng.

Theo ông Phu, Chính phủ sẽ có nới lỏng với các ngành nghề, quy mô, số lượng, tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thậm chí xây dựng thành bảng điểm, chấm điểm, nếu không đạt thì xử phạt hoặc yêu cầu đóng cửa trở lại. Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân cần thiết phải thực hiện 5 an toàn: Thứ nhất vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang và đeo khẩu trang vô cùng quan trọng trong việc phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp mà Covid-19 gây ra.

Thứ hai là duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2 mét.

Thứ 3 là không nên tụ tập đông người.

Thứ 4 là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.

Thứ 5 là khai báo y tế - đây là vấn đề rất quan trọng, khi có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở… là những triệu chứng điển hình, kể cả mệt mỏi không tìm ra nguyên nhân… Khai báo, nhất là với y tế cơ sở sẽ có tư vấn, người dân sẽ được hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị.

Một thời gian dài học sinh đã nghỉ học, bây giờ đi học trở lại thì quan trọng nhất là đảm bảo trường học an toàn. Muốn vậy phải tạo ra được cho học sinh yên tâm, các phụ huynh yên tâm tạo tâm lý tốt cho học sinh và gia đình.

Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Bộ Y tế xây dựng những quy định làm thế nào để trường học an toàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ có những quy định chi tiết cụ thể. Trong đó có những nguyên tắc bắt buộc như: Học sinh phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, vệ sinh khử khuẩn bàn ghế hằng ngày và những trường hợp nếu cho cháu nào bị sốt, thông qua việc đo nhiệt độ tại trường và khai báo của gia đình đều phải khai báo và cho học sinh đó nghỉ học.

Việc vệ sinh khử khuẩn trường học là vô cùng quan trọng cần thiết như: Rửa tay, lau chùi bàn ghế.

“Tôi cũng khuyến cáo các bà mẹ nên trang bị cho mỗi con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn ngoài việc nhà trường bố trí các điểm rửa tay xà phòng, dung dịch sát khuẩn…”, ông Phu nói.

Ngoài ra, khi hoạt động trở lại, mỗi loại hình, ngành nghề phải có những hướng dẫn, quy định chi tiết riêng. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng những hướng dẫn nguyên tắc chung với từng môi trường cụ thể như: Trong nhà máy xí nghiệp, cho hệ thống phương tiện công cộng, cho các loại hình phương tiện giao thông…

Quan trọng nhất là đeo khẩu trang, sự tiếp xúc giữa các hộ gia đình công nhân, các nhóm dân cư với nhau. Thực tế trong gia đình vẫn phải tiếp xúc gần nhưng quan trọng là tiếp xúc giữa gia đình này với gia đình khác việc đi ra ngoài…

Những gia đình nào có dấu hiệu bệnh phải được khám, điều trị, phòng bệnh tối đa. Điều quan trọng nhất là tuyên truyền và ý thức của người dân.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem