Sau trận lũ lịch sử, nhiều người dân Bình Định không có Tết

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 18/01/2017 06:20 AM (GMT+7)
Chính xác hơn là Tết vẫn đến với họ, nhưng có cũng như không, bởi nhà cửa, tài sản… bị cuốn sạch do mưa lũ.
Bình luận 0

Những phần quà cứu trợ đã được đưa đến tận tay người dân Bình Định, thế nhưng ngần ấy chưa “thấm” so với nỗi đau mà họ đã trải qua. Cơn ác mộng do mưa lũ vẫn chưa dứt, giờ đây, khi nhắc Tết, nước mắt họ cứ chực chờ tuôn...

Vắng người, Tết mất vui!

Ngược hẳn với không khí nô nức mọi năm, 4 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Duy Khiêm (trú thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đang nương nhờ vào chuồng gà để chờ Tết. Em Nguyễn Duy Khánh (18 tuổi, con trai ông Khiêm) cho hay: “Hôm 17.12, lũ kéo về khiến căn nhà bỗng dưng đổ sập. Số gà nuôi bán tết trong chuồng một phần bị lũ cuốn sạch, số còn lại đành bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống. Tận dụng chuồng gà, hiện tại, 4 thành viên trong gia đình phải lợp tôn, kê giường để ở”.

img

Khung cảnh hoang tàn ở làng An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) sau lũ.  Ảnh: Dũ Tuấn

“Mưa lũ ngập diện rộng hơn 1 tháng nên người dân không sản xuất gì được. Tết cổ truyền đang đến rất gần, nhưng nỗi lo hàng trăm hộ dân mất tết do nhà cửa đổ sập chưa dựng kịp, tài sản cuốn trôi, thiếu lương thực... vẫn luôn hiện hữu. Chúng tôi tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ của người dân cả nước hướng về người dân vùng lũ”. 

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước)

Gia đình chị Trần Thị Tuyết Sương (38 tuổi, trú xã Phước Hòa) đang khẩn trương xây móng, đổ cát xây nhà mới để kịp đón Tết. “Gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con đang sống trong căn lều tạm bợ. Buổi tối trời mưa rất lạnh vì nước giọt xuống chỗ nằm. Nhà mới tôi đang làm, chỉ sợ không kịp đón Tết” - chị Sương chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Hồng (48 tuổi, ở xã Hòa Phước) lâm vào cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” khi nhà thì sập do lũ, còn bản thân bị tai nạn giao thông, chân rạn nứt, phải bó bột.

Bà Hồng bảo: “Tôi không có chồng nên 1 mình lo liệu cho con gái đang học lớp 6. Nhà sập, mẹ con tôi phải ngủ ké nhà bên cạnh, Tết đang đến mà không biết phải sắm sửa thế nào”.

Chưa kịp vui mừng vì đứa con mới chào đời được 10 tháng tuổi, chị Phan Thị Liễu (34 tuổi, trú thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) phải chịu cảnh đeo tang chồng. Chồng chị - anh Nguyễn Trịnh Liêm (SN 1980) làm nghề thợ hồ. Cưới nhau được 3 năm, cuộc sống khốn khó, không có đủ vốn liếng để ra riêng nên hai mẹ con chị phải tá túc nhà mẹ đẻ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), còn anh Liêm thì chạy đi chạy lại giữa hai nhà. Thế rồi, trận lũ cuốn trôi anh Liêm khỏi cõi đời này.

Chị Liễu buồn bã nói: “Cứ tưởng năm nay Tết sẽ rất vui vì gia đình đón thành viên mới. Nào ngờ trận lũ đi qua, chồng tôi đã xa nhà mãi mãi. Nụ cười chẳng có mà nỗi buồn thì tăng gấp bội, nghe tết ai cũng rụng rời chân tay”.

Sau lũ, tiếng nói cười thường nhật trong căn nhà cấp 4 của gia đình anh Đào Văn Chín (trú làng Vinh Quang 1, xã Phước Sơn) bỗng chìm trong im lặng. Vợ chồng anh Chín vốn là nông dân chân chất, “đầu tắt mặt tối” mưu sinh để trợ sức cho 3 cô con gái nhỏ ăn học (đứa lớn đang học lớp 12 và cô gái út chỉ vừa 5 tuổi). Khi cơn lũ ập đến, anh Chín vẫn đang còn hái thuê cà phê ở tận Tây Nguyên, vợ anh - chị Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) một mình  lo cho đàn con tránh lũ. Nước lũ dâng cao, đàn vịt chừng 40 con sắp bán tết bỗng hốt hoảng tháo chạy ra sông.

“Trong nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có đàn vịt này để lo cho gia đình khi cái Tết đang cận kề. Nghĩ vậy, vợ tôi bơi sõng đi tìm đàn vịt trong lúc nước chảy xiết, gió lại lớn đã đánh chìm chiếc sõng, và vợ tôi đã ra đi mãi mãi”- anh Chín nói trong nước mắt.

Về An Xuyên, xin đừng nhắc Tết

Cuối năm, chúng tôi ghé làng An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) - nơi có 11 nhà dân đã đổ sập sau trận lũ lịch sử. Khi nhắc đến Tết, nhiều người trong làng tỏ ra mệt mỏi, buồn bã, không còn tâm trạng háo hức như mọi năm.

Ông Phan Văn Long (43 tuổi, trú thôn An Xuyên 3) lâm vào hoàn cảnh bi đát khi tài sản, nhà cửa của gia đình ông bị đổ sập theo dòng lũ. Vợ chồng ông cứ ngẩn ngơ chẳng dám ăn uống gì, lục lọi đống gạch đổ nát để tìm vật dụng còn xài được để tận dụng, che vài tấm tôn đón Tết.

“Tổng thiệt hại hồ tôm, nhà cửa của tôi cũng khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, riêng nghề nuôi tôm thiệt hại 100 triệu đồng, tôm đang nuôi bị cuốn đi sạch. Thực sự, giờ gia đình chẳng biết nương tựa vào đâu, làm gì để sống nữa. Trong 3 ngày Tết sắp tới, chẳng còn nhà nên gia đình tôi rất âu lo”- ông Long chia sẻ.

Theo ông Lê Minh Sơn- Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh), trận lũ từ ngày 16.12 đã khiến vỡ bờ đê sông La Tinh, 11 căn nhà đổ sập, 4 nhà hư hỏng và hàng trăm hộ dân nuôi thủy sản trong làng bị thiệt hại tiền tỷ.

“Không khí Tết ảm đạm hơn mọi năm rất nhiều, cả làng ai cũng buồn bã chẳng muốn mua sắm gì. Người thì dựng lều bạt trên bờ đê, người thì ở ké nhà anh em đón tết. Thấy cảnh đó, thực sự tôi cầm lòng không được, qua Tết này người dân mới dựng nhà được. Về làng An Xuyên xin đừng ai nhắc Tết, họ nghe buồn lắm”- ông Sơn buồn bã nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành giao đất cho 11 hộ dân ở làng An Xuyên 3 và theo quyết định của UBND tỉnh sẽ  hỗ trợ người dân bị cuốn trôi nhà, mất đất là 100 triệu đồng/hộ, người sập nhà còn đất là 50 triệu đồng và rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ. Ngặt nỗi, nhà bị cuốn trôi chắc sang năm mới có thể xây dựng kịp, người dân đành ăn Tết nhờ nhà người thân hoặc che lều bạt trên đê”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem