Sau Vingroup, đại gia Quảng “nổ” của BKAV sẽ sản xuất máy thở chống Covid-19

Thúy Vy Thứ bảy, ngày 11/04/2020 15:55 PM (GMT+7)
Mới đây, trên Facebook cá nhân của ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV thông báo: BKAV đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập giúp điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bình luận 0

BKAV đã sẵn sàng sản xuất máy thở

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, ngay từ khi có tin GS Trần Văn Thọ và Trần Ngọc Phúc muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam, BKAV đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này.

img

Ông Nguyễn Tử Quảng muốn sản xuất máy thở để chống Covid-19

Tuy nhiên, mới đây Công ty thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic, đã mở thiết kế máy thở xâm nhập PB 560 của họ cho các nhà sản xuất khác để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch. Theo đó, máy thở PB 560 là loại máy gọn, nhẹ có chức năng cung cấp oxy và mô phỏng các hành động của hơi thở. Đây là thiết bị sống còn giúp các Bác sĩ và Bệnh nhân nặng chống chọi với Covid-19. Khoảng 10% bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải dùng đến máy thở, do đó thế giới đang thiếu nặng nề các thiết bị này.

Đây cũng là loại máy thở mà trước đó, Vingroup công bố sẽ sản xuất.

Do vậy, ông chủ BKAV tuyên bố: “Vào giữa tháng 5 chúng tôi sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên, để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế".

Hiện, BKAV cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone. Hơn 9000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng".

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu “quả ngọt” từ Vinsmart

Theo báo cáo thị trường tuần cuối tháng 3/2020 do GfK thực hiện, sau bảy tuần liên tiếp tăng trưởng hai con số, điện thoại Vsmart của Công ty VinSmart đã chính thức đạt 16,7% thị phần, gia nhập nhóm ba thương hiệu có thị phần trên 15%; đồng thời giữ vững ở khoảng cách xa so với nhóm thương hiệu còn lại.

img

Vsmart của Công ty VinSmart đã chính thức đạt 16,7% thị phần.

GfK ghi nhận, smartphone Vsmart chiếm ưu thế vượt trội trong phân khúc điện thoại phổ thông, có giá từ 1-3 triệu đồng. Trong đó, mẫu điện thoại Vsmart Joy 3 là nhân tố tăng trưởng đột phá, với kỷ lục bán ra đạt 12.000 máy trong vòng 14h đầu ra mắt. Tính đến hết tháng 3/2020, Vsmart Joy 3 (phiên bản 2GB và 3GB RAM) đã lọt vào nhóm 3 sản phẩm bán chạy nhất phân khúc 2-3 triệu, mang về 13,3% thị phần cho VinSmart.

Bên cạnh nỗ lực gia tăng thị phần, VinSmart còn đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao tỷ trọng của các dòng điện thoại thông minh dưới 2 triệu đồng. Theo báo cáo của GfK, từ 1% tổng thị trường vào đầu tháng 2/2020 – đến cuối tháng 3/2020, phân khúc dưới 1 triệu đồng đã tăng lên 4,4%, trong đó Vsmart chiếm 77%. Tương tự, phân khúc điện thoại thông minh dưới 2 triệu đồng đã tăng từ 6,5% lên 11,1%, trong đó Vsmart chiếm 70% toàn phân khúc.

Ông Trịnh Văn Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros

HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros đã miễn nhiệm chức vụ chủ tịch của ông Trịnh Văn Quyết từ 7/4 sau khi tiếp nhận đơn đề nghị xin thôi giữ chức và chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của ông.

Việc miễn nhiệm chính thức vị trí thành viên HĐQT FLC Faros với ông Quyết sẽ được trình đại hội cổ đông gần nhất của công ty.

Người thay thế ông Quyết ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT FLC Faros là ông Nguyễn Thiện Phú, tổng giám đốc công ty. Ông Phú sinh năm 1974, làm CEO FLC Faros từ tháng 6/2019. Ông cũng đang giữ chức phó tổng giám đốc tập đoàn FLC.

Việc ông Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB).

Ông Quyết hiện là cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối tại FLC Faros với 51% cổ phần. Tại GAB, ông Quyết sở hữu 8% vốn và tập đoàn FLC đồng thời nắm 9% cổ phần.

Đình chỉ vụ kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hôm nay thông báo nhận được quyết định ngày 30/3 của TAND tỉnh Gia Lai về việc đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại của nguyên đơn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ FPT (FPT Capital).

Lý do là các bên đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tại hợp đồng góp vốn cổ phần ngày 19/12/2011 với nhau. Phía FPT Capital đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã rút toàn bộ yêu cầu phản tố.

Vụ kiện này được TAND tỉnh Gia Lai thụ lý vào tháng 7/2019 với nội dung tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên công ty.

Nguyên đơn là FPT Capital, bị đơn là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và Công ty Cổ phần HAGL. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico).

Ngân hàng bầu Hiển bán vốn công ty vay tiêu dùng cho nước ngoài

HĐTV Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) ra nghị quyết trình HĐQT ngân hàng SHB đề xuất đại hội đồng đồng cổ đông thông qua việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

Công ty chưa công bố tỷ lệ vốn sẽ chuyển nhượng cũng như nhà đầu tư cụ thể. SHB Finance cho biết một số đối tác nước ngoài trước đó đã đặt vấn đề hợp tác với ngân hàng SHB để trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Công ty thông tin việc bán vốn cho nhà đầu tư ngoại phù hợp với hoạt động theo đề án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ngân hàng SHB dự kiến thu lợi nhuận lớn từ hoạt động thoái vốn này, tăng nguồn thặng dư vốn cho cổ đông.

SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng SHB của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sở hữu 100% cổ phần. Tiền thân của SHB Finance là Công ty tài chính Vinaconex Vietel. Do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này sáp nhập vào ngân hàng SHB.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem