Sau vụ cháy NM Rạng Đông: Bất an nhà máy, kho xưởng giữa khu dân cư

Tố Loan Thứ hai, ngày 09/09/2019 06:00 AM (GMT+7)
Mới đây, Bộ TNMT đã chính thức công bố kết quả quan trắc nhằm đánh giá chính xác nhất những tác động tới môi trường sau vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Khoan bàn đến kết quả ra sao, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là những bài học, kinh nghiệm gì, giải pháp ra sao để không lặp lại một Rạng Đông thứ 2?
Bình luận 0

Nguy cơ từ những “quả bom lửa”

Khi thông tin về vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) được lan rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, bên cạnh những câu hỏi về tình hình vụ cháy, về những thiệt hại về người và tài sản, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi vì sao đến thời điểm này vẫn tồn tại những nhà máy, xí nghiệp trong nội đô, hoặc ở nơi có quần thể cư dân đông đúc như phường Hạ Đình?

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị còn là những quả “bom lửa”, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, gây hậu quả khôn lường. Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông rất may xảy ra lúc chập tối, người dân chưa ngủ, lực lượng chức năng kịp khống chế, không để ngọn lửa lan sang Công ty Động Lực và hàng trăm nhà dân gần đó, nếu không hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều…

img

Sau đám cháy ở Rạng Đông, không khí ngột ngạt khiến người dân đi ngang qua khu vực này cảm thấy rất khó chịu. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Trước đó, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, gỗ, nên đám cháy lan nhanh, thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng.

Trước nguy cơ về ô nhiễm, cháy nổ do các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể gây ra, chục năm trước, Hà Nội đã lên danh sách và có lộ trình di dời các cơ sở này ra bên ngoài. Thành phố có nhiều nỗ lực thực hiện, song đến nay tiến độ vẫn hết sức chậm chạp.

Cách Công ty Rạng Đông không xa, trên đường Nguyễn Trãi vẫn còn đó hàng loạt cơ sở sản xuất như Nhà máy thuốc lá Thăng Long, ở thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có rất nhiều nhà xưởng tái chế phế liệu vải, giấy, nhựa, nằm trong lòng khu dân cư...

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam thông tin, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm có quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy nào, thời gian ra sao theo nguyên tắc nào sẽ được đề cập chi tiết trong quy hoạch phân khu của từng quận, huyện.

Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy sản xuất của Công ty Rạng Đông tại Hạ Đình sẽ phải di dời về KCN Quế Võ, Bắc Ninh để nhường "đất vàng" cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn.

Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg về cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khu đất nhà máy Hạ Đình có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới. Nhưng đến nay, Công ty Rạng Đông vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể, trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở KCN Quế Võ lại chưa được xây dựng...

Việc chậm trễ di chuyển nhà máy này có nguyên nhân từ đâu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cũng sẽ được làm sáng tỏ, tuy nhiên, đây cũng là một báo động để Hà Nội quyết liệt hơn trong việc di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô.

Để không còn một “Rạng Đông” thứ 2

Nói về giải pháp, bài học sau vụ cháy, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thừa nhận: “Đây là vụ việc rất đáng tiếc, nhưng qua đó chúng tôi cũng tự thấy còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Trên thực tế, các nội dung liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó sự cố từ cháy nổ sang bảo vệ môi trường thì trong Luật Bảo vệ môi trường cũng đã đề cập. 

Từ kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh sau sự cố với các khuyến cáo của WHO và châu Âu cho thấy phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân là trong khoảng cách bán kính là 500m tính từ hàng rào kho sản phẩm kho bị cháy.

Riêng trong vụ cháy này chính quyền cơ sở đã vào cuộc rất nhanh, tuy nhiên nói về trách nhiệm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty Rạng Đông. Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu mọi trách nhiệm với môi trường cũng như đền bù thiệt hại với người dân”.

“Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 4/9, Bộ TNMT cũng kiến nghị cần tổng rà soát lại các cơ sở hoạt động, kinh doanh có chứa hóa chất độc hại nguy hiểm, đặc biệt là các cơ sở nằm trong đô thị thì cần phải có lộ trình kế hoạch di chuyển để tránh hậu quả đáng tiếc” - ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua 4/9 Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cũng đã khẳng định quan điểm của Bộ TNMT là phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Chúng tôi đề nghị TP.Hà Nội nhân dịp này, Công ty Rạng Đông phải ra khỏi khu dân cư, không xây dựng nhà máy lại” - ông Nhân nói và cho biết thêm, TP.Hà Nội đã có kế hoạch này và đang có lộ trình để di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem