Sau vụ ngộ độc ở Trường Ischool, phụ huynh ráo riết nghĩ cách kiểm tra suất ăn bán trú của con

Tào Nga Thứ năm, ngày 24/11/2022 12:00 PM (GMT+7)
Ngay sau khi xảy ra sự cố 1 học sinh tử vong và hàng trăm học sinh nhập viện nghi ngộ độc từ suất ăn bán trú ở Trường Ischool Nha Trang, phụ huynh các nơi ở Hà Nội bắt đầu kiểm soát chặt hơn thực phẩm của con ở trường.
Bình luận 0

Ngày 20/11 vừa qua, dư luận bàng hoàng trước thông tin ngộ độc bữa ăn bán trú khiến hàng trăm học sinh Trường liên cấp Hội nhập quốc tế Ischool Nha Trang nhập viện. Đau lòng hơn khi có 1 học sinh lớp 1 phải điều trị tích cực và tử vong trên đường đi TP.HCM cấp cứu.

Đến tận trường kiểm tra suất ăn bán trú

Sau vụ việc xảy ra tại Trường Ischool, nhiều phụ huynh có con ăn bán trú tại trường vô cùng lo lắng. Có 2 con đang học tiểu học và đều ăn bán trú tại trường, chị Hoàng Như Thùy, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội băn khoăn vì chỉ biết thực đơn bữa ăn hằng ngày ở trường nhưng không biết vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các bữa ăn ra sao. "Vấn đề an toàn thực phẩm chúng tôi tin tưởng và trông cậy cả vào nhà trường. Còn về chất lượng bữa ăn thì chỉ biết tặc lưỡi cho con ăn ở trường rồi tối về cho con ăn bù", chị Phương nói.

Sau vụ ngộ độc Trường Ischool, phụ huynh Hà Nội ráo riết nghĩ cách kiểm tra suất ăn bán trú của con - Ảnh 1.

Nhân viên chuẩn bị suất ăn bán trú ở Trường THCS Yên Hòa. Ảnh: Đ.Q

Anh Nguyễn Minh Đạt, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì chia sẻ: "Con đi học chúng tôi nơm nớp lo sợ. Mỗi lần nghe học sinh bị ngộ độc thực phẩm hay những câu chuyện về thực phẩm sắp hết hạn tuồn vào bữa ăn trường học mà tôi lại nhói trong tim không biết con ăn ở trường ra sao".

Với chị Lê Ánh Tuyết, có con học lớp 7 tại một trường ở quận Hà Đông thì chị lại cho con dùng điện thoại để chụp ảnh từng bữa ăn: "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhà trường, tuy nhiên, việc bảo con chụp lại bữa ăn chỉ để tôi biết con ăn gì, có đảm bảo dinh dưỡng không. Nói về khoản vệ sinh an toàn thực phẩm thì quả thật là có nhìn tận mắt cũng không biết được. Thôi thì trông chờ vào lương tâm của các nhà cung cấp thực phẩm".

Chị Trần Minh Hồng, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì chia sẻ: "Mấy năm trước con gái lớn học tại trường, phụ huynh mỗi lớp phân chia nhau mỗi ngày cứ 5h sáng là đến bếp ăn của trường kiểm tra thực phẩm có đủ số lượng không, có đảm bảo tươi ngon không... Hiện tại trường không còn bếp nấu nữa mà mua suất ăn bên ngoài, nhưng cứ 11h trưa đại diện phụ huynh lại đến trường kiểm tra".

Các trường đảm bảo an toàn thực phẩm thế nào?

Chia sẻ với PV, cô Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay, hiện tại suất ăn mỗi học sinh là 25.000 đồng. Thực đơn được nhà trường lên từ đầu tuần và gửi vào zalo nhóm lớp để phụ huynh nắm được mỗi ngày con ăn những món gì...

Sau vụ ngộ độc Trường Ischool, phụ huynh Hà Nội ráo riết nghĩ cách kiểm tra suất ăn bán trú của con - Ảnh 2.

"Trường công hay trường tư thì các thầy cô giáo đều rất lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm", cô Huyền chia sẻ. Ảnh: Đ.Q

Cô Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, ngộ độc thường xảy ra ở trường mua suất ăn công nghiệp chế biến sẵn. Còn ở những trường tự nấu thì hầu như ít có tình trạng bị ngộ độc. 

"Hiện tại nhà trường có bếp ăn riêng và lấy thực phẩm qua công ty thực phẩm có đầy đủ giấy tờ. Những phụ huynh mới xin học cho con muốn tìm hiểu bếp của trường thì nhà trường luôn sẵn sàng. 

Trường công hay trường tư thì các thầy cô giáo đều rất lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Như trường mình chấp nhận mua thực phẩm đắt hơn hẳn ở chợ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ví dụ như mua 1kg thịt qua công ty cung cấp thực phẩm đắt hơn so với ở chợ 40.000 đồng; rau củ đắt hơn gấp 3 lần... để có được bữa ăn 40.000 đồng/ngày bao gồm 2 bữa chính, 1 bữa phụ cho học sinh", cô Huyền nói. 

Cô Đàm Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa, quận cầu Giấy, Hà Nội cho hay, mặc dù các khâu tổ chức bếp ăn đã được khép kín nhưng muốn tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh, các nhà trường không bao giờ được chủ quan, lơ là trong tổ chức bữa ăn bán trú. Khâu kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm hàng ngày cần được thực hiện chặt chẽ, có giám sát của đầy đủ thành phần. Ban giám hiệu liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhân viên bếp ăn không chỉ nâng cao trách nhiệm mà còn dành tình yêu và sự tâm huyết trong chuẩn bị từng bữa ăn, có như vậy mới không để xảy ra sự cố, dù là nhỏ nhất.

Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở GDĐT Hà Nội, cho biết: Trước khai giảng năm học 2022-2023, Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GDĐT chỉ đạo các nhà trường đặc biệt quan tâm rà soát, bổ sung các điều kiện tổ chức bán trú. Các nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh phải thực hiện đúng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết "Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm"; ký kết hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ về việc mua thực phẩm, cung cấp suất ăn với các đơn vị uy tín, đủ điều kiện pháp lý.

Riêng các trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn còn phải bảo đảm đơn vị cung cấp suất ăn có địa điểm không quá xa với trường học để bảo đảm cho học sinh có bữa ăn đúng giờ. 

Theo thống kê từ Sở GDĐT, Hà Nội là địa phương hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non và phổ thông; trong đó có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú. Hàng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú.

Khởi tố vụ án ngộ độc khiến hơn 600 học sinh Ischool nhập viện - VTV24

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem