Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 27/09/2024 16:45 PM (GMT+7)
Nước sông Hoàng Long lên cao, đường đi bị chia cắt khiến nhiều học sinh tại thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, phải đến trường bằng thuyền. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền nâng cấp tuyến đường để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ.
Bình luận 0

Có mặt tại thôn Cao Thắng (xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trưa ngày 25/9, PV Dân Việt ghi nhận có rất đông phụ huynh đang ngồi trên thuyền đợi con, em đi học về.

Clip: Học sinh thôn Cao Thắng (xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đến trường bằng thuyền.

Những chiếc thuyền được làm từ bê tông, tôn, thép… là phương tiện chính giúp học sinh vùng rốn lũ thôn Cao Thắng (xã Đức Long) đến trường học mỗi ngày. 

Tuy nhiên, những chiếc thuyền này không được trang bị phao cứu sinh hay áo phao, tiềm ẩn nguy hiểm khi học sinh di chuyển ở khu vực nước sâu.

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 1.

Đa số học sinh thôn Cao Thắng (xã Đức Long) ngồi trên thuyền không mặc áo phao. Ảnh: Vũ Thượng

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 2.

Mỗi ngày bà Hiên chèo thuyền đưa, đón con đi học tổng 8 lần. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Phạm Hiên, thôn Cao Thắng nói: "Nhiều ngày nay, chúng tôi tạm gác công việc để ở nhà đưa, đón các con đến trường. Nhà tôi có 4 cháu, cứ một ngày đưa đi, đón về tôi phải chèo thuyền 8 lần, mỗi lần khoảng 15 phút".

"Trước kia tôi làm công ty may, còn chồng đi phụ hồ. Nhưng nay nước sông Hoàng Long lên cao gây ngập úng, giao thông bị chia cắt tôi phải nghỉ việc ở nhà đưa, đón các con", bà Hiên tâm sự.

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 3.

Một học sinh Trường Tiểu học Đức Long đang chèo thuyền đón anh trai đi học về. Ảnh: Vũ Thượng

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 4.

Chèo thuyền "môn học" bắt buộc của học sinh tại thôn Cao Thắng, xã Đức Long. Ảnh: Vũ Thượng

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 5.

Tiềm ẩn nhiều mối lo khi học sinh chèo thuyền đến trường ở Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, khu vực phụ huynh chèo thuyền đưa, đón các con đến trường là vùng đất chuyên trồng lúa của người dân địa phương, nhưng nay ngập sâu trong nước bởi ảnh hưởng của bão số 3, nước thượng nguồn đổ về, sông Hoàng Long lên cao.

Chính nước sông lên cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan. Đặc biệt, là các cháu học sinh ở các cấp học phải ngồi thuyền đến trường rất nguy hiểm.

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 6.

Việc đưa, đón con đến trường học tốn khá nhiều thời gian của phụ huynh. Ảnh: Vũ Thượng

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 7.

Người dân thôn Cao Thắng mong muốn nâng cấp tuyến đường để yên tâm đi lại trong mùa mưa lũ. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Vũ Phương Thảo, thôn Cao Thắng, xã Đức Long tâm sự: "Nhà tôi có 3 cháu đi học, giờ tan trường của các cháu cũng khác nhau, nên việc đưa, đón tốn khá nhiều thời gian. Tôi mong các cấp quan tâm, nâng cấp lại tuyến đường giao thông, không cứ mưa là ngập thế này chúng tôi rất vất vả".

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 8.

Những chiếc thuyền bê tông được tập kết một điểm để đón học sinh từ trường về. Ảnh: Vũ Thượng

Hành trình đến trường trên những con thuyền không phao cứu sinh- Ảnh 9.

Cứ nước sông Hoàng Long lên cao là nhiều hộ dân ở thôn Cao Thắng, xã Đức Long bị ngập. Ảnh: Vũ Thượng

Thông tin tới Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thiết-Trưởng thôn Cao Thắng cho biết: "Thôn Cao thắng có khoảng 500 học sinh, học ở các cấp trên địa bàn huyện Nho Quan, với tổng 256 hộ dân, hơn 960 nhân khẩu…Tình trạng đường sá trong thôn bị chia cắt gần 20 ngày nay là do nước sông Hoàng Long lên cao.

Đến nay 27/9, nước sông Hoàng Long đã xuống, học sinh không phải ngồi thuyền đến trường. Tuy nhiên để tính lâu dài rất mong các cấp quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến đường từ trục chính vào Nhà văn hóa thôn Cao Thắng dài khoảng 500m để người dân, học sinh đi lại thuận lợi trong mùa mưa lũ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem