Xung quanh hoạt động này, phóng viên NTNN đã trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Chương Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài mặt tích cực là thẻ hành nghề sẽ giúp các cơ quan quản lý văn hóa quản lý nghệ sĩ dễ dàng hơn thì liệu nó có trở thành “giấy phép con”, “vòng kim cô” đối với người tham gia biểu diễn nghệ thuật hay không?
- Chúng tôi đã lường trước điều này nên đề án tạo sự thông thoáng tối đa trong việc triển khai cấp thẻ hành nghề. Nói cách khác việc cấp thẻ hành nghề sẽ không có hiện tượng tiêu cực, không phải cơ chế xin cho, không phải phong bì, phong bao… gì hết.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Đối với các nghệ sĩ có danh hiệu, các nghệ sĩ nằm trong các đoàn nghệ thuật thì các sở VHTTDL chỉ cần gửi lý lịch trích ngang và ảnh, không phải làm đơn, không sát hạch. Chúng tôi xác định thẻ hành nghề là chứng minh thư trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, để hành nghề chứ không phải giấy chứng nhận trình độ của các nghệ sĩ.
Đối với các nghệ sĩ tốt nghiệp các trường nghệ thuật, được cấp bằng, thì đó là giấy chứng nhận việc có thể hành nghề nên việc cấp thẻ đơn giản, gọn nhẹ. Nếu quá trình thực hiện đề án có những điều chưa phù hợp thì chúng tôi sẽ tiếp thu, điều chỉnh tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được hoạt động nghệ thuật đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của họ trước công chúng.
Việc thực hiện cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ sẽ do các sở VHTTDL địa phương tiến hành, tuy nhiên, nhiều nơi còn đang lúng túng không biết sẽ thực hiện thế nào?“Giọng hát Việt nhí” Phương Mỹ Chi nếu muốn đi biểu diễn phải có giấy bảo lãnh của cha mẹ.
- Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện đang gấp rút soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết việc cấp thẻ hành nghề để gửi cho các địa phương. Việc cấp thẻ được thực hiện khá thông thoáng nhưng khâu hậu kiểm sẽ siết chặt hơn.
Đồng thời, mức phạt các vi phạm trong nghệ thuật biểu diễn sẽ căn cứ vào mức phạt tại Nghị định 158 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Dự kiến, việc triển khai hướng dẫn cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu thực hiện từ tháng 4 đến hết năm 2014. Đến năm 2016, việc cấp thẻ hành nghề cho tất cả các cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn sẽ hoàn thành.
Bản thân ông nhiều lần đã than phiền rằng các sở địa phương không nắm được cụ thể trên địa bàn có bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động, điều này liệu có ảnh hưởng tới việc cấp thẻ?- Đây là quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của các nghệ sĩ. Nếu không có thẻ thì họ sẽ không được làm nghề vì thế vì quyền lợi của chính mình, buộc họ phải thực hiện nghiêm túc. Thực tế, 63 sở VHTTDL cả nước không có đơn vị nào nắm được cụ thể có bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động trên địa bàn của mình, vì thế thẻ hành nghề sẽ giúp họ thống kê, định lượng một cách cụ thể, đồng thời cũng nắm bắt lý lịch, nhân thân của mỗi nghệ sĩ một cách rõ ràng, giải quyết những bất cập trong quản lý của ngành trong nhiều năm qua.
Các nghệ sĩ quan tâm đến chi phí cấp thẻ mà họ sẽ phải nộp là bao nhiêu, ông có thể giải đáp?-Theo dự trù thì chi phí cho việc cấp thẻ là không lớn, vì thế Bộ đã thống nhất sẽ trích từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương. Làm như vậy để đề án có thể triển khai nhanh, hiệu quả, tạo điều kiện đồng thời nâng cao ý thức chấp hành của các nghệ sĩ.
Trong quá trình góp ý xây dựng đề án có một vấn đề đặt ra là có những trường hợp nghệ sĩ nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, chưa đủ 15 tuổi và chưa thuộc đối tượng cấp thẻ hành nghề thì liệu họ có được tiếp tục biểu diễn?- Với những trường hợp này, sẽ quy định cho đơn vị tổ chức biểu diễn các chương trình có các nghệ sĩ nhí sẽ buộc phải có giấy bảo lãnh của cha mẹ các em và họ phải nộp giấy tờ này trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn.
Nhiều năm nay, vướng mắc trong việc xây dựng chế độ chính sách cho nghệ sĩ đã tồn tại khiến họ rất thiệt thòi, vấn đề này liệu có tìm được Cục Nghệ thuật biểu diễn tìm ra hướng giải quyết triệt để trong năm nay?
"Bao nhiêu năm nay, việc duy trì bồi dưỡng nghệ sĩ luyện tập ở mức 10.000 - 30.000 đồng/người/buổi không khuyến khích được nghệ sĩ dồn tâm huyết, sức lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật”. Ông Nguyễn Đăng Chương
|
-Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện quyết liệt việc xây dựng đề án để giải quyết 4 vấn đề nổi cộm trong việc này. Về chế độ nghỉ hưu sớm cho các nghệ sĩ chưa đến tuổi nghỉ chế độ nhưng không có khả năng làm nghề, việc làm này không chỉ ghi nhận đóng góp của các nghệ sĩ mà còn tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội vào biên chế, yên tâm hành nghề.
Với chế độ bồi dưỡng luyện tập, bao nhiêu năm nay, việc duy trì bồi dưỡng nghệ sĩ luyện tập ở mức 10.000-30.000 đồng/người/buổi không khuyến khích được nghệ sĩ dồn tâm huyết, sức lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Về chuyện xét nâng ngạch bậc của các nghệ sĩ, theo quy định của Bộ Nội vụ là phải thi nhưng lĩnh vực hoạt động nghệ thuật lại có những đặc thù cực kỳ khó khăn...
Ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn này?- Ví dụ như thi về chuyên môn thì không thể tập hợp tất cả các nghệ sĩ về đây, nào là tuồng, chèo, múa, xiếc… để có hội đồng chấm chung được. Vì thế, kể từ khi có chế độ lương mới đến nay, chưa tổ chức thi nâng lương được lần nào cho các nghệ sĩ.
Cuối cùng là việc xếp ngạch bậc lương cho các nghệ sĩ cũng giống như những ngành nghề khác là chưa phù hợp. Như NSND Lê Khanh chẳng hạn, 16 năm nay chị vẫn đang giậm chân tại chỗ khi hưởng phụ cấp lương vượt cấp 0,01%/năm và lương vẫn kịch bậc như vậy. Do đó, chúng tôi vẫn quyết liệt xây dựng đề án xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan phê duyệt để có thể đi vào triển khai trong năm 2014.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thu (thực hiện) (Hà Thu (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.