Sẽ chấn chỉnh việc nghiên cứu giống

Thứ sáu, ngày 11/04/2014 07:19 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trước tình trạng nghiên cứu giống cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập.
Bình luận 0
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, trong giai đoạn từ năm 2008-2013, bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước chi thông qua Bộ NNPTNT 1.041 tỷ đồng để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, ngành đã tổ chức nghiên cứu 1.045 đề tài, trong đó có hơn 300 giống cây trồng, vật nuôi và các kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, trong đó có 102 giống lúa.

“Mặc dù nhiều giống lúa mới như vậy, nhưng chất lượng gạo xuất khẩu của chúng ta vẫn không được nâng lên, một trong những lý do là các giống đó không có gì nổi trội hơn so với giống cũ. Tôi cũng đã đề nghị Bộ KHCN cùng phối hợp, đề xuất những chính sách thu hút mạnh mẽ hơn các lực lượng tham gia vào nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, vì doanh nghiệp thường nghiên cứu gắn với thị trường nên sản phẩm đề tài sẽ được thương mại hóa nhanh hơn, có tính ứng dụng mạnh mẽ hơn trong sản xuất” – Bộ trưởng Phát cho biết.

	Kiểm nghiệm giống trong phòng nuôi cấy mô tế bào tại Viện Nghiên cứu  rau quả (Gia Lâm, Hà Nội).
Kiểm nghiệm giống trong phòng nuôi cấy mô tế bào tại Viện Nghiên cứu rau quả (Gia Lâm, Hà Nội).

Liên quan đến việc, vì sao nhiều năm liền chúng ta khuyến cáo nông dân đồng bằng sông Cửu Long không cấy giống IR50404, nhưng thực tế giống này vẫn chiếm đến 70% diện tích, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, có thực trạng này là do giống IR50404 rất dễ làm, có tính ổn định cao, năng suất cũng vượt trội so với nhiều loại giống lúa khác. Đặc biệt là khi thị trường thuận lợi, IR50404 vẫn bán được với giá không thấp hơn nhiều giống mà chúng ta vẫn gọi là chất lượng cao.

“Nông dân thấy hiệu quả thì họ vẫn làm, đó là điều đương nhiên. Lỗi ở đây là do chúng ta chưa đưa ra được cho nông dân những giống lúa vừa có chất lượng, vừa có năng suất vượt trội so với IR50404. Tôi xin nhận khuyết điểm này và chúng tôi đã chấn chỉnh lại chương trình nghiên cứu giống. Đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu những giống lúa thay vì chỉ bán được với giá 400 USD/tấn, thì hãy làm ra những giống bán được với giá 600 – 800 USD/tấn, nhưng năng suất và độ bền vững phải không thua kém IR50404. Chúng tôi đã đặt hàng như vậy và hy vọng mấy năm nữa các nhà khoa học sẽ đưa ra được những giống lúa thực sự xuất sắc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân” – Bộ trưởng Phát nói.

Trước đó, NTNN đã có loạt bài phản ánh tình trạng dù ngân sách hàng năm đầu tư nghiên cứu cho phát triển nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống, nhưng vẫn rất còn bất cập. Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cả nước hiện có 600.000 - 700.000ha lúa lai, nhưng có đến 70-80% diện tích sử dụng giống nhập khẩu. Còn theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), do khả năng tự sản xuất hạt lúa lai tại Việt Nam chỉ đạt 3.500 - 4.000 tấn/năm (đáp ứng 24% nhu cầu) nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 13.000 tấn hạt giống lúa lai.

Minh Huệ (Minh Huệ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem