|
Theo đề án, cần phải xây dựng nhiều kho chứa lớn hơn. |
Để tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân và đảm bảo người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%, đưa thu nhập của nông dân đến năm 2020 gấp 2,5 lần hiện nay, đã có nhiều biện pháp đã được đưa ra trong đề án “Dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống phân phối lương thực ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án Phân phối lương thực).
Để đáp ứng các mục tiêu bình ổn giá lúa gạo, nâng cao khả năng tiếp cận lương thực cho mọi người, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, theo dự thảo Đề án phải xây dựng và phát triển các tập đoàn lương thực nòng cốt, có đủ nguồn lực để can thiệp, chi phối và bình ổn thị trường; phải đầu tư hệ thống kho có tổng công suất 4 triệu tấn lúa ở ĐBSCL, trong đó xây dựng thêm các kho chứa 2,5 triệu tấn (6.500 tỷ đồng) và sửa chữa, nâng cấp các kho 0,94 triệu tấn (469 tỷ đồng).
Ngoài ra, cần bổ sung năng lực dự trữ hiện có của các sơ sở xay xát kinh doanh gạo xuất khẩu công suất 5.000 - 30.000 tấn/kho. Ngoài ra, cần đầu tư mới hệ thống silô hiện đại công suất 800.000 tấn; trang bị đồng bộ máy sấy hiện đại kết hợp với xay xát, đánh bóng, phân loại gạo, bảo đảm năm 2015 trở đi cả nước sấy lúa đạt trên 10 triệu tấn/năm.
Theo TS. Hoàng Thọ Xuân (Bộ Công Thương) để cải thiện quy trình lưu thông lúa gạo, cần tập trung vào hệ thống thu mua, trong đó thương lái vẫn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Vấn đề là tổ chức lại lực lượng này bằng các chính sách kinh tế, biến họ thành lực lượng thu mua chuyên nghiệp, thông qua doanh nghiệp để nhà nước có thể chi phối và kiểm soát được.
Các cơ sở thu mua của doanh nghiệp phải được bố trí ở những tiểu vùng trọng điểm về lúa, giao thông thuận lợi và tốt nhất là các cơ sở này cần phải có cả công đoạn xay xát, phơi sấy, chế biến.
Không nên có quá nhiều chợ đầu mối lúa gạo ở các trọng điểm sản xuất lúa, nhưng chợ phải thực sự là chợ của nông dân. Từ một chợ quy mô lớn, được tổ chức chu đáo, từng bước tạo điều kiện để nâng cấp thành sàn giao dịch lúa gạo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết:
“Đề án nêu được nhiều vấn đề, lo cung cấp nhiều thông tin nhưng tôi vẫn lo ngại về tính khả thi của nó. Muốn cụ thể hơn từng vấn đề một thì phải đưa ra các giải pháp cụ thể, như thu mua cần giữ vai trò của thương lái, vì đặc thù sản xuất nông nghiệp Việt Nam là nhỏ lẻ, do đó rất cần lực lượng này, nhưng phải tổ chức gắn thương lái với cơ sở sản xuất, chế biến của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua theo ngày hoặc tuần, tùy tình hình thị trường để thương lái căn cứ vào đó thu mua của nông dân và bán lại cho doanh nghiệp.
Minh Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.