Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ siết chặt quy trình quản lý vận hành hồ chứa thủy điện
Ngày 17.3, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện, nhằm hiện thực hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện.
Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là 63.730 triệu kWh so với năm 2012 (48421 triệu kWh) phát tăng thêm 15.309 triệu kWh. Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư.
Tính đến hết năm 2016, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 32% về điện năng và 40% về công suất lắp máy. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Trong đó, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5%, 20,5% và 15,5%.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đều rất thẳng thắn, cởi mở trên xây dựng và cho rằng: Công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thuỷ điện còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý gây bức xúc cho xã hội. Cụ thể, năng lực quản lý chuyên môn ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm; Không ít chủ đầu tư, dự án không đủ năng lực, chưa chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Do vậy, đã đến lúc cần phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra cho người dân.
Thực tế thời gian qua, việc xảy ra một số sự cố trong quá trình xây dựng hoặc mới đưa vào sử dụng (Đăk Mek tỉnh Kon Tum, Đakrông 3 tỉnh Quảng Trị, Sông Bung 2 tỉnh Quảng Nam, Ia Krel 2 tỉnh Gia Lai), vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ (Hố Hô tỉnh Hà Tĩnh) đã là thông điệp cảnh báo tới những người xây dựng chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học cần phải chung tay hành động trong bối cảnh biến đổi của khí hậu, cực đoan của thời tiết; áp lực tiến độ, chủ quan của con người, hạn chế về nhận dạng rủi ro trong sản xuất; một số quy định về quản lý và kỹ thuật đã trở nên kém hiệu quả và không còn phù hợp.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của các đại biểu, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để báo cáo Chính phủ chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành nhằm khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đáp ứng với yêu cầu thực tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ chủ động đề xuất với Bộ TNMT thành lập nhóm công tác liên bộ làm việc cụ thể với các địa phương có thủy điện lớn, số lượng thủy điện nhiều để thống nhất các biện pháp cụ thể cũng như phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị cụ thể ở địa phương. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc đôn đốc kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy trình xả lũ của các đập thủy điện tại địa phương mình quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.