Siêu dự án ngăn mặn 3.300 tỷ ở miền Tây bị phản đối dữ dội

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 15/06/2018 07:29 AM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng Dự án hệ thống thủy lợi trên sông Cái Lớn - Cái Bé (gọi tắt là dự án sông Cái Lớn – Cái Bé) - một trong những dự án ngăn mặn lớn nhất ở miền Tây là không cần thiết.
Bình luận 0

Dự có có vốn đầu nghìn tỷ đồng

Đơn vị chủ đầu tư Dự án sông Cái Lớn - Cái Bé là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ NNPTNT. Trong giai đoạn 1 (2017-2020), dự án sẽ có vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ cho các hạng mục: cống Cái Lớn, cống Cái Bé, đê nối hai cống với quốc lộ 61, kênh nối hai dòng sông Cái Lớn, Cái Bé để điều tiết mực nước, âu thuyền.

img

Phối cảnh cống Cái Lớn

Mục tiêu của dự án là giúp chủ động kiểm soát mặn, giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương ở tây sông Hậu. Đồng thời, chủ động kiểm soát mực nước, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng nhằm giảm ngập úng cho vùng trũng dọc sông Cái Lớn và Cái Bé.

Dự án đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 906.700ha (607.369ha đất nông nghiệp, 70.910ha đất lâm nghiệp, 83.305ha đất nuôi trồng thủy sản và 145.174ha đất khác) thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ. Đảm bảo giao thông thủy trong thời gian ngăn triều, mặn và đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến giao thông thủy liên vùng theo yêu cầu quy hoạch giao thông…

Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, dự án nhận được sự đồng thuận khá cao, qua đó giúp địa phương điều tiết mặn, ngọt một cách phù hợp nhất để phục vụ cho việc trồng lúa hoặc nuôi tôm. “Nước ngọt từ thượng nguồn về ngày càng kém và xâm nhập mặn ngày càng tang. Vì vậy, việc triển khai dự án là cần thiết. Hơn nữa, khi dự án sông Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành, sẽ rất thuận lợi trong việc điều tiết nước cho cả vùng bán đảo Cà Mau” – ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nói.

Cũng theo ông Tâm, ngoài dự án trên, Kiên Giang còn mong muốn có thêm hàng chục cống ngăn mặn và trữ ngọt lớn nhỏ từ TP Rạch Giá về đến huyện Kiên Lương để khép kín. Khi đó, trong trường hợp nước từ đầu nguồn về kém thì sẽ cho đóng cống để xoay nước trở về vùng Tây sông Hậu phục vụ sản xuất.

Chuyên gia chưa đồng thuận

Mới đây, các chuyên gia ở ĐBSCL đã tổ chức buổi tham vấn lấy ý kiến về siêu dự án trên. Tại đây, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nhấn mạnh rằng, dự án thủy lợi trên sông Cái Lớn - Cái Bé là không cần thiết. Đồng thời, khẳng định bốn luận điểm được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói về sự cần thiết và cấp bách phải đầu tư dự án nêu trên được phân tích một cách rất sơ sài.

img

Sông Cái Lớn (Kiên Giang)

Theo ông Thiện, luận điểm thứ nhất nói xuất phát tình trạng khô hạn của mùa khô năm 2016 nhưng đây là một sự kiện cực đoan 90 năm mới có một lần, không phải là xu hướng chung của ĐBSCL. Vì vậy, không thể căn cứ vào yếu tố cực đoan đó để khẳng định cần thiết phải đầu tư dự án nêu trên.

Luận điểm thứ hai được nói đến nguy cơ nước biển dâng là thiếu căn cứ, không đúng với thực tế. Bởi ông Thiện cho rằng, ở ĐBSCL, khả năng nước biển dâng đến năm 2100 chỉ khoảng 53 cm, chứ không phải là 1 mét như những kịch bản được đưa ra trước đó. Hơn nữa, ở vùng bằng này, tình trạng sụt lún đất mới là vấn đề đáng lo hơn.

“Luận điểm thứ ba được đưa ra để xây dựng dự án sông Cái Lớn - Cái Bé khi nói ĐBSCL gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực là sai. Họ nói khô hạn năm 2016, an ninh lương thực bị đe dọa nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, tức có dư cả chục triệu tấn lúa. Qua đây, có thể nói rõ là an ninh lương thực không hề bị đe dọa” – ông Thiện phân tích.

Ông Thiện nói thêm: “Luận điểm thứ tư được đưa ra khi nói nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ở ĐBSCL do tác động của thượng nguồn là đoán mò. Đập thủy điện không làm hết nước mà chỉ có tác động đến phù sa và thủy sản. Việc bỏ ra hơn 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 1) để xây dựng dự án có những luận điểm trên thì cần thận trọng”.

Tiến sĩ Dương Văn Ni  (Khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ) - chuyên gia về đa dạng sinh học cho rằng, nếu dự án sông Cái Lớn - Cái Bé làm xong dân sẽ loạn. Cần tham vấn ý kiến của của những người trong cuộc, của các chuyên gia.

“Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau là một bài học, dự án muốn chuyển vùng bán đảo Cà Mau thành vùng chuyên nước ngọt nhưng mặn trong đất vẫn còn, không thể hết được do phù sa từ biển mang vào" - Tiến sĩ Ni nói.

Theo ông Đặng Kiều Nhân - Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cũng cảnh báo, việc xây dựng dự án thuỷ lợi trên sông Cái Lớn - Cái Bé phải hết sức thận trọng. Bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem