Đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc do Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm tại Hợp tác xã Nakanoshima Ohashi. (Ảnh: Đ.T)
Ngay sau khi đến sân bay Narita, đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đến Nhật Bản tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được ông Ngô Hùng Lâm - một doanh nhân gốc Việt thành đạt, sống hơn 38 năm ở Nhật Bản đã đón tiếp và đưa đi thị sát một số cơ sở nông nghiệp ở tỉnh Chiba.
Chiba là tỉnh thuộc vùng Kanto của Nhật Bản, với trung tâm hành chính là thành phố Chiba. Giáp với Ibaraki ở phía bắc, Saitama và Tokyo ở phía tây, toàn là các tỉnh trọng điểm. Về phía đông của tỉnh trông ra biển Thái Bình Dương. Trung tâm hành chính là thành phố Chiba.
Chiba có diện tích đất liền chiếm khoảng 5,156.62 km2, đứng thứ 28 trong số các tỉnh lớn ở Nhật. Diện tích này còn lớn hơn tổng thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa cộng lại.
Nhờ vào diện tích đồng bằng lớn và trù phú, Chiba có nhiều điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó thành phố Minamiboso trong tỉnh chính là nơi mở đầu cho ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa tại Nhật.
Tất cả các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi không những đa dạng, phong phú mà còn đều là sản phẩm hoàn toàn tươi sạch, an toàn được kiểm định khắt khe qua tiêu chuẩn Chiba Eco Produce. Đó cũng là điều không lạ, khi danh sách các nông dân triệu đô của tỉnh Chiba cứ nối dài mỗi năm.
Ông Hirotaka Nomura- Giám đốc Sở Nông nghiệp của TP Kisarazu dẫn đoàn đi thị sát các trang trại. (Ảnh: Đ.T)
Ông Ngô Hùng Lâm cho biết, khi công ty Intrase kết nối đặt lịch làm việc của đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc do Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức sẽ đến tham quan các cơ sở nông nghiệp trong tỉnh Chiba, lãnh đạo tỉnh Chiba đã chỉ đạo cho ông Hirotaka Nomura- Giám đốc Sở Nông nghiệp của thành phố Kisarazu, thuộc tỉnh Chiba trực tiếp xuống dẫn đường cho đoàn.
Cà chua nữ hoàng
Theo hướng dẫn của ông Nomura, điểm đến đầu tiên của đoàn là Hợp tác xã Nakanoshima Ohashi do ông Nakayama làm chủ. Hợp tác xã này chuyên về trồng rau quả, trong đó, sản xuất, bảo quản và đóng gói cà chua bi là hoạt động chủ yếu của hợp tác xã.
Ông Nakayama chia sẻ kinh nghiệm canh tác thuỷ canh với đoàn nông dân Việt Nam. (Ảnh: Đ.T)
Tại đây, nông dân Việt Nam đã được vào xem vườn trồng cà chua bi lớn nhất trong vùng để tìm hiểu về kỹ thuật canh tác thuỷ canh và các tiêu chuẩn bảo quản sản phẩm của nông dân Nhật Bản. Gọi là “cà chua nữ hoàng”, bởi ngoài hình thức đẹp mắt, ưa nhìn, cũng như công dụng làm đẹp của trái cà chua, hỏi ra mới biết, giá của loại quả này cũng “quý tộc” không kém với khoảng 150.000VND/kg.
Ông chủ Nakayama cho biết, hợp tác xã trồng cà chua quanh năm, cứ thu hoạch hết mùa này lại gieo trồng lứa mới. Ước tính, mỗi mùa ông Nakayama thu hoạch được 160 tấn cà chua. Ông Nakayama tiết lộ, chi phí tiền công cho khoảng 20 công nhân trong hợp tác xã khoảng 600 triệu VND mỗi tháng.
Khi được hỏi về kỹ thuật để trồng cà chua năng suất cao và chất lượng tốt, ông Nakayama cho biết, quan trọng của kỹ thuật trồng thuỷ canh là chất lượng nguồn nước phải sạch, không được nhiễm độc tố hay bất cứ yếu tố gây hại nào để cách ly với nguồn sâu bệnh.
Do đó, ông Nakayama đã đầu tư hệ thống lọc và tưới nước hiện đại, đặc biệt là hệ thống máy tích hợp hai trong một nóng-lạnh (mùa đông sưởi ấm, mùa hè làm mát) để chăm sóc và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho cây.
Theo quan sát, cứ 5 luống cà chua, ông Nakayama lại đặt một chiếc máy này, ước tính, chi phí của mỗi chiếc máy khoảng 6 tỷ VND. Ông Nakayama cũng là nông dân đầu tiên ở thành phố Chiba được lấy chứng nhận GlobalGAP.
Ông Nakayama giới thiệu hệ thống máy theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ số phát triển của cà chua bi. (Ảnh: Đ.T)
Sau khi thị sát nơi trồng, ông Nakayama đã dẫn đoàn đến xưởng bảo quản, phân loại và đóng gói cà chua, nằm ngay sát vườn thuỷ canh. Tại đây, ông Đoàn Xuân An - “vua” cam Hàm Yên (Tuyên Quang) với doanh thu mỗi năm 20 tỷ đồng từ mô hình vườn - rừng, tỏ ra rất tâm đắc công nghệ phân loại trái của hợp tác xã Ohashi.
Sau khi thu hoạch, trái cà chua bi được phân loại theo kích thước, to, vừa và nhỏ, được ký hiệu mã hoá bằng các ký tự chữ cái. Ở Nhật Bản, loại có ký hiệu M là loại quả to, ngon, có giá bán cao nhất. Tất cả trái cà chua thu hoạch được công nhân đổ vào một cái máy, cùng lúc sẽ được phân loại ra các kích cỡ khác nhau để đóng hộp.
Anh Nguyễn Duy Kiên (áo xanh) – Phó Giám đốc công ty Cam sành Hàm Yên lưu lại những hình ảnh về máy phân loại quả để áp dụng cho sản phẩm cam sành Hàm Yên. (Ảnh: Đ.T)
Quy trình phân loại và đóng gói diễn ra rất nhanh gọn, điều đáng ngạc nhiên là công cụ thông minh, tiện lợi mà ông Nakayama đang sử dụng này lại là một cỗ máy trông rất đơn giản. Sau khi quan sát kỹ, ông Đoàn Xuân An đã dặn dò anh Nguyễn Duy Kiên – Phó Giám đốc công ty Cam sành Hàm Yên lưu lại những hình ảnh về máy phân loại quả mà theo ông, rất thích hợp để ứng dụng khi phân loại, đóng hộp bảo quản sản phẩm cam sành Hàm Yên.
Bí quyết: Đất và tâm
Điểm đến thứ hai của đoàn là một trang trại trồng rau sạch của ông nông dân Yoshida Mitsunobu. Loại rau duy nhất được trồng trong trang trại này là rau cải Nhật, có tác dụng bổ máu, lưu thông khí huyết. Với diện tích không quá rộng, ông Yoshida Mitsunobu xây dựng 10 nhà lồng để trồng cải xanh.
Nhìn những luống rau sạch xanh mướt mắt, ông Yoshida Mitsunobu cho biết, bí quyết trồng rau của ông thực ra không có gì lạ, chỉ đơn giản là đất trồng phải tơi xốp, sạch và chỉ bón bằng phân bò cộng với tưới nước, tuyệt đối nói không với các loại hoá chất, phân bón hoá chất.
Đoàn tìm hiểu kỹ về cách làm tốt đất của nông dân Nhật Bản. (Ảnh: Đ.T)
Ông Yoshida Mitsunobu cho biết, một năm ông thu hoạch được 6 lần và mỗi nhà lồng trừ chi phí cho 3 người làm, ông thu về khoảng 400 triệu VND.
Thấy lợi nhuận từ loại rau bổ dưỡng khí huyết này mang lại khá cao, trong khi chi phí trồng và cách chăm sóc khá đơn giản, ông Tô Hiến Thành - “vua” chăn nuôi lợn oganic nổi tiếng ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, ông Phạm Văn Động- “vua” trồng mía ở Hàm Thuận, Bình Thuận đã nảy ra ý tưởng sẽ canh tác thêm loại rau này ở trang trại của mình. Ông Yoshida Mitsunobu đã vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời không quên tặng lại cho những nông dân Việt hạt giống để đưa về Việt Nam canh tác.
Rời hai cơ sở sản xuất rau, quả của nông dân Nhật Bản, các siêu nông dân Việt Nam không khỏi thắc mắc về sự đơn giản nhưng lại thành công của nông nghiệp Nhật. Ông Ngô Hùng Lâm- với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nông nghiệp ở tỉnh Chiba giải thích thêm rằng, Nhật Bản nổi tiếng với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm nhân công và cho ra đời những loại nông sản tối ưu, nhưng thực ra bí quyết làm nông của nông dân Nhật lại rất đơn giản: Đó là đất và tâm.
Chỉ cần có đất và cái tâm của người làm nông, sẽ cho ra những sản phẩm tốt, sạch. Theo ông Lâm, nông dân Nhật Bản chủ yếu làm màu mỡ cho đất trồng bằng các loại lá cây, rơm rạ được ủ lâu năm, sau đó đem ra nghiền nhỏ, trộn vào đất để làm phân bón. Khi đất màu mỡ, cộng với cái tâm của người trồng, thậm chí trò chuyện với cây trồng hàng ngày mỗi khi tưới nước cũng sẽ mang lại hiệu quả kỳ diệu.
Ông Ngô Hùng Lâm khẳng định, nông dân Nhật Bản từ bao đời nay rất tâm đắc với bí quyết làm nông này và các loại nông sản của Nhật trên thực tế không chỉ ngon, sạch và hình thức cũng vô cùng đẹp.
Đồng ý với những điều này, bà Huỳnh Tiến Hạnh- người được mệnh danh là nữ hoàng nấm Linh Chi, đông trùng hạ thảo có công ty nấm HQGANO cho biết, bà cũng áp dụng phương pháp cho cây nghe nhạc thiền khi trồng nấm thuốc.
Đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc sẽ có lịch trình làm việc dày đặc trong những ngày tiếp theo. Theo kế hoạch, ngày 13.4, đoàn sẽ làm việc với tỉnh trưởng tình Chiba để tìm hiểu về thị trường và các mô hình nông nghiệp khác của tỉnh.
Chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp cao ở Nhật Bản là cơ hội lớn giúp nông dân tìm thêm nền nông nghiệp hàng đầu châu Á cũng như của thế giới; giúp nông dân hội nhập, xây dựng và thúc đẩy mối liên kết nông dân – doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.
Nhật Bản là đất nước công nghiệp hàng đầu thế giới, với sự phát triển tiên tiến của công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đây là đất nước có nền nông nghiệp phát triển và tình hình xuất khẩu lao động Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp luôn khởi sắc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.