“Siêu Ủy ban” đề xuất xây dựng trụ sở mới rộng 2,5 ha

Hà Anh Thứ bảy, ngày 13/04/2019 06:00 AM (GMT+7)
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất bố trí đất tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội với quy mô khoảng 1,5–2,5 ha, hình thức đầu tư dự án theo loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).
Bình luận 0

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này xem xét việc báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới tại khu vực Tây Hồ Tây.

Theo văn bản này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, kể từ khi thành lập năm 2018, Ủy ban được Bộ Tài chính giao sử dụng địa điểm tại số 8 Khúc Hạo, quận Ba Đình (Hà Nội) với diện tích đất là 1.313 m2. Tuy nhiên, cơ sở nhà đất này là biệt thự cổ đã xuống cấp và đang lập dự án cải tạo nên chưa được sử dụng.

Do nhu cầu cấp bách cần có diện tích cho cán bộ làm việc, Ủy ban đã và đang tạm sử dụng trụ sở của Văn phòng Chính phủ tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan (Hà Nội) để làm việc tạm thời, đồng thời phải xin Thủ tướng cho phép thuê thêm trụ sở văn phòng làm việc.

Để tạo thuận lợi, tập trung vào một đầu mối làm việc và xây dựng bộ máy phát triển sau này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới của Ủy ban tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) với quy mô diện tích khoảng 1,5-2,5 ha. Trong đó, trụ sở của Ủy ban là 1,5ha; trung tâm thông tin khoảng 1ha. Hình thức đầu tư dự án theo loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).

img

Ảnh minh hoạ. 

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Vị trí Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trụ sở tập trung chính là tại khu vực Tây Hồ Tây với quy mô khoảng 35 ha và khu Mễ Trì với quy mô khoảng 30 ha.

Cụ thể, khu trụ sở bộ ngành tại Tây Hồ Tây rộng 20 ha, gồm 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng với bình quân 2 - 3,5 ha/cơ quan. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là hơn 8.500 tỷ.

7 bộ ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an. 16 cơ quan sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại là Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, VTV, VOV, Tổng liên đoàn lao động...

Bắt đầu khởi động từ năm 2012 nhưng thực tế đến nay việc di dời trụ sở các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn trong tình trạng chưa đạt kết quả như kế hoạch./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem