Sinh kế mới góp phần đổi thay vùng biên giới Ea Súp

Duy Hậu - Thiên Ngân Thứ ba, ngày 19/11/2019 20:00 PM (GMT+7)
Ea Súp là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, có đường biên giới với nước bạn Campuchia, nơi đây có điều kiện khí hậu, đất đai khắc nghiệt, việc phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, với quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, cùng với những hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, Ea Súp đã vươn lên trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Được hỗ trợ “đầu cơ nghiệp”, thoát cảnh bí bách

Xã Ea Bung, huyện Ea Súp là 1 trong 14 xã biên giới trên cả nước được hỗ trợ mô hình sinh kế từ nguồn quỹ phát động nhắn tin ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đợt 1 (giai đoạn 2018-2020). Theo đó, phụ nữ xã Ea Bung được nhận 10 con bò, mỗi con trị giá 10 triệu đồng.

Chị Trần Thị Sin (thôn 10, xã Ea Bung) trước đây có thể nói là một "hộ nghèo bền vững", cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhà chị không có đất đai, chồng mất sớm, một mình tự bươn chải nuôi 4 đứa con cùng hai đứa cháu nên nếu xếp chị vào diện “nghè bền vững”, cũng không phải quá lời. Thật may là đến đầu năm 2019, từ nguồn quỹ của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, gia đình chị Sin được tặng 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng, chị rất phấn khởi.

img

Phụ nữ Ea Súp trồng rau an toàn. Ảnh: Duy Hậu

Bên cạnh việc làm chuồng, cắt cử người đi kiếm thức ăn hằng ngày, chị Sin đã trồng thêm cỏ, thường xuyên quét dọn và kéo bóng điện để đuổi muỗi cho bò. “Bây giờ, con bò là tài sản lớn nhất của gia đình tôi, mẹ con tôi chăm sóc kỹ chỉ mong bò ít bệnh tật, nhanh lớn để sớm sinh sản giúp gia đình chị có cơ hội vươn lên thoát nghèo”, chị Sin chia sẻ.

Ngoài ra, chị Sin cùng được các chị em khác tư vấn mua thêm 80 con gà giống về nuôi để tạo thêm nguồn thu nhập. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều phía, kinh tế gia đình chị Sin đã bắt đầu có sự đổi thay tích cực.

Hay như chuyện gia đình chị Hồ Thị Cẩm Trang, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, trước đây cũng nghèo khó như chị Sin. Thiếu đất sản xuất, sức khỏe không tốt, cuộc sống của gia đình chị Trang luôn trong cảnh bí bách. Năm 2018, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã hỗ trợ cho chị Trang 40 triệu đồng để xây nhà kiên cố.

“Tôi rất hạnh phúc! Giờ có nhà ở đàng hoàng, tôi đã tự tin, yên tâm phát triển kinh tế, tập trung lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo”- chị Trang nói.

Cũng theo chị Trang, bên cạnh sự hỗ trợ từ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữa biên cương", gia đình chị còn được hỗ trợ nhiều phía từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy giờ đây gia đình chị đã có chỗ dựa để vươn lên.

Ngoài gia đình chị Sin, chị Trang, những năm qua, hàng trăm gia đình nghèo tại huyện biên giới Ea Súp đã vươn lên thoát nghèo nhờ những chương trình thiết thực của nhà nước. Theo bà Hoàng Hải Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bung, những hộ nghèo của xã sau khi được tặng bò sinh sản đều rất phấn khởi. Đây là "cần câu" giúp các hộ nghèo tạo sinh kế. Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn theo cho người nghèo từ ngân hàng Chính sách xã hội, hộ nghèo đã có tiền để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kì tích ở làng thanh niên lập nghiệp

Bên cạnh việc tạo “cần câu” từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, huyện Ea Súp còn triển khai hiệu quả dự án làng thanh niên lập nghiệp, thu hút nhiều hộ dân dũng cảm, giàu ý chí đến xây dựng làng, lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, nhờ được đào tạo nghề, quyết tâm bám làng an cư lập nghiệp, một số ngành nghề trồng trọt có đầu ra ổn định, nhiều người dân ở thôn Thanh niên lập nghiệp (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) đã có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Chỉ trong 2 năm từ năm 2016-2018, hộ nghèo tại huyện Ea Súp giảm từ 9.198 hộ xuống còn 7.132 hộ (giảm hơn 16%). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5.267 hộ xuống còn 4.122 hộ (giảm 21,38%).

Ông Lý Văn Sài, Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp cho hay, từ năm 2009-2012, đã có 120 hộ dân từ các huyện khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến sinh sống, lập nghiệp tại thôn. Tại vùng đất mới, mỗi hộ gia đình được cấp 1 sào đất ở cùng 1,5 ha đất canh tác. Ngoài ra, mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà cửa.

Cũng theo ông Sài, thời gian đầu mới đến thôn Thanh niên lập nghiệp, cuộc sống của gia đình ông và bà con xung quanh gặp rất nhiều khó khăn, đất đai không màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt... Tuy nhiên, được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương và cán bộ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, các hộ gia đình đã đồng lòng đồng sức, cùng nhau quyết chí bám đất, bám làng để lập nghiệp. Trong đó, trồng mía, điều, chăn nuôi bò, dê là những cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Từ những “bàn tay trắng”, sau gần 10 năm định cư, phát triển kinh tế, đến nay đàn gia súc của thôn đã có trên 300 con. Hàng chục hộ nông dân tham gia liên kết trồng mía với Công ty mía đường Đắk Lắk, được bao tiêu sản phẩm và cho thu nhập ổn định hằng năm.

Trong đó, hộ anh Nguyễn Văn Diễn được xem là hộ tiêu biểu về sản xuất giỏi của thôn cho biết, được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình anh đã liên kết trồng 8ha mía với Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm nay anh mạnh dạn đầu tư, thuê thêm đất và trồng 20ha mía, dự tính thu nhập sẽ đạt khoảng 500-600 triệu đồng. Theo anh Diễn, ở trong thôn có nhiều gia đình làm ăn kinh tế khá, nhiều nhà cũng trồng mía như anh, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng là không hiếm.

Ông Đỗ Duy Toại, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết: Trong năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo mô hình để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo như: Tổ chức 29 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với nông dân đã có 2.000 người tham gia. Phối hợp với ban giảm nghèo Tây Nguyên tổ chức 06 lớp tập huấn cho các nhóm nông hộ về kỹ thuật trồng sả, kỹ thuật chăn nuôi heo, kỹ thuật chăn nuôi dê…

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem