Sinh vật ngoại lai gây hại lớn cho môi trường, kinh tế: Loay hoay tìm cách quản lý

Trần Thụ - M.H Thứ năm, ngày 20/11/2014 06:22 AM (GMT+7)
Ốc bươu vàng, chuột hải ly, chuột hamster, gián đất, cây mai dương... là sinh vật ngoại lai (SVNL) đã xâm nhập vào tận chuồng nuôi, đồng ruộng gây không ít tác hại cho nền kinh tế và môi trường. Vậy mà tới nay các ngành chức năng vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp căn cơ, toàn diện để ngăn ngừa tình trạng này.
Bình luận 0

“Giặc” vào tận nhà mới lo… diệt

Tại Hội thảo “Tổng quan về quản lý loài ngoại lai xâm hại trên thế giới và ở Việt Nam” diễn ra sáng 18.11 tại Hà Nội, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Trong quá trình thực thi Pháp lệnh giống vật nuôi từ khi ban hành đến nay, Cục đã tiếp nhận các hồ sơ đối với một số loài động vật du nhập vào Việt Nam như chuột hải ly, chuột hamster, chồn nhung đen… Cục đã căn cứ theo các quy định trong Luật Đa dạng sinh học và Pháp lệnh giống vật nuôi để phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường hợp này…

imgĐoàn viên, thanh niên huyện Điện Bàn (Quảng Nam) ra quân triệt phá cây mai dương.  (Ảnh  TL)

 

Chuột hải ly được nhập vào Việt Nam (cuối thế kỷ 20) nhưng do là loài sinh vật gây hại nên đã phải tiêu hủy. Năm 2012 đến lượt chồn nhung đen lại được “rước” về. Kết quả, có 40 tỉnh, thành phố xuất hiện loài này, trong đó có 28 tỉnh, thành phố đang nuôi chồn nhung đen ở 293 cơ sở, số lượng trên 13.500 con. Đầu năm 2014, tại Bắc Ninh xuất hiện mô hình nuôi gián đất du nhập từ Trung Quốc. Sau khi “nắm bắt tình hình thực tế”, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản chính thức cấm việc nuôi gián đất.

Nguy cơ một cuộc “chiến tranh sinh thái”

GS Trần Đình Hòe (Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG) nói: Trước đây chuyên gia Trung Quốc đem cây bình vôi hoa vàng (vốn có nguồn gốc ở đảo Hải Nam) sang trồng vào ta luy đường sắt ở khu vực đèo Hải Vân, đến nay đã lan ra 10.000ha. SVNL là công cụ của “một cuộc chiến tranh sinh thái”. Cán bộ quản lý dù có quan tâm nhưng chỉ nói suông, còn hiểu biết về nó thì kém lắm.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Cục phó Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học cho biết: Tại Australia, trước khi sinh vật ngoại lại “đặt chân” được vào nội địa, phải qua một số hàng rào như: Phân tích rủi ro với động, thực vật, hàng hóa lần đầu được nhập khẩu. Lúc nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch đối với động, thực vật và hàng hóa nhập khẩu… Trong khi đó, tại Việt Nam chúng ta vẫn thiếu quy định phân tích rủi ro trước khi nhập khẩu. Ngoài ra, quy định đối với giai đoạn trong nước bao gồm phát hiện sớm, phản ứng nhanh, chương trình kiểm soát, diệt trừ của chúng ta còn mờ nhạt, chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều đối tượng cần quản lý cũng chưa được đề cập tới ví dụ như động vật cảnh, cây cảnh hay động thực vật là thức ăn cho các động vật nuôi...

Tại Việt Nam, các văn bản dưới luật đã hướng dẫn rất chi tiết các điều khoản thi hành việc quản lý SVNL, tuy nhiên đã xuất hiện không ít những bất cập. Tại khoản 7, Điều 7 “Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học” (Luật Đa dạng sinh học 2008) quy định: “Nghiêm cấm việc nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại” (NLXH). Nhưng tại khoản 1, Điều 50 lại quy định: Loài NLXH bao gồm loài NLXH đã biết và loài NLXH có nguy cơ xâm hại. Như vậy theo các quy định này các loài NLXH đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đều thuộc đối tượng bị nghiêm cấm nhập khẩu và phát triển. Trong khi đó tại khoản 3 Điều 52 lại quy định: “Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và cấp phép nuôi trồng loài ngoại lai”!

GS Vũ Triệu Mân - Chủ tịch Hội Bệnh lý thực vật (Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam) cho rằng: Lâu nay việc kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu quá đơn giản, máy móc thiết bị để “trùm mền” vì quá kém, cán bộ thì thiếu chuyên môn… nên kiểm dịch bị “lọt lưới” quá nhiều. Vì vậy cần đầu tư tiền cho cơ quan chức năng và tăng thêm quyền, tránh chồng chéo.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho rằng: Chúng ta vẫn đang thiếu những biện pháp quản lý hữu hiệu khiến các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vẫn tiếp tục phát tán ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem