Sinh viên “chê” nông-ngư nghiệp

Thứ tư, ngày 15/12/2010 08:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo một thống kê mới đây của Bộ GD&ĐT, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉ lệ sinh viên theo học các ngành nông-ngư-lâm nghiệp chỉ chiếm 10,1%.
Bình luận 0

Với cả nước, tình hình cũng không khá hơn. Vì sao, nước ta hiện vẫn là nước nông nghiệp, tỉ lệ nông dân và người làm nông nghiệp chiếm hơn 70% dân số, mà sinh viên (SV), trong đó có rất nhiều người xuất thân từ nông thôn lại “quay lưng” với các ngành học nông-ngư nghiệp?

Câu trả lời đầu tiên nằm ở tâm lý “nhất sĩ nhì nông” từ xa xưa và cả tâm lý coi thường những nghề nghiệp thuộc về dạng “xắn quần lội ruộng”, vì thấy nó có vẻ không được... trí thức, không giống “người có học” lắm. Tâm lý ấy là có thực.

Có những chuyên ngành mà khi thi vào, SV vẫn rất tù mù như “Quản trị kinh doanh”, chưa biết sẽ làm cái gì, nhưng thấy ham vì chắc là dễ “hái ra tiền”. Thực ra, dù học kinh tế hay học nông nghiệp, thì quan trọng nhất vẫn là người học có nắm vững được khoa học ngành mình học không, và có hành một cách tốt nhất không.

Khi tâm lý xã hội đã không thuận lợi cho những ngành học về nông-ngư nghiệp, thì trong thực tế, không ít SV khi theo học và tốt nghiệp những chuyên ngành này lại chỉ muốn xin về công tác tại các sở, ban, ngành quản lý nông-ngư nghiệp.

Rất ít SV muốn “xắn quần lội ruộng” hay “cởi áo lội nước” để trực tiếp tham gia tìm hiểu, nghiên cứu từ thực địa nông nghiệp và ngư nghiệp. Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Nếu trong sản xuất nông-ngư nghiệp, người ta biết dùng nhiều hơn đến “chất xám để nâng cao năng suất, phòng chống bệnh tật cho cây trồng, vật nuôi hay tôm cá, thì “có cầu tất có cung”.

Nói “có cầu” ở đây là điều kiện, nhu cầu phải đi đôi với thu nhập cho nguồn cung, tức là cho những người có chất xám, có kỹ năng và có những sáng kiến, hay học thức phục vụ cho nhu cầu phát triển nông-ngư nghiệp.

Một khi thu nhập của những kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư ngư nghiệp là xứng đáng với chất xám và công sức của họ bỏ ra; một khi họ có thể, như các chủ trang trại, giàu lên nhờ lao động của mình thì chắc chắn những ngành nghề thuộc loại bị “chê” như nông nghiệp và ngư nghiệp sẽ có nhiều SV đăng ký thi và theo học.

Vấn đề là dạy học và dạy hành thế nào để những ngành nghề nông-ngư nghiệp trở thành những chuyên ngành “hot” (nóng), có đầu ra sáng sủa, nhiều triển vọng hành nghề tốt thu nhập cao, thì chắc chắn sẽ thu hút được học sinh và SV thi vào và chọn học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem