Sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị gì khi nhiều nhà tuyển dụng thích chọn người có kinh nghiệm?

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 15/06/2023 14:06 PM (GMT+7)
Nhiều sinh viên tại Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng, ngành tài chính có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp khá thấp và phải có "mối quan hệ" mới có được việc làm.
Bình luận 0

Ngày 17/6 sắp tới, Trường ĐH Tài chính-Marketing (UFM) sẽ tổ chức ngày hội việc làm (Job Fair 2023) nhằm kết nối, giới thiệu việc làm cho hơn 3.000 sinh viên của trường và sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn.

Đây là ngày hội được tổ chức thường niên, là nơi giúp sinh viên được gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội việc làm, thực hành, thực tập trực tiếp tại gian hàng của hàng chục doanh nghiệp.

Tại cuộc họp báo thông tin về ngày hội việc làm vừa tổ chức, nhà trường và các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm, các "bí kíp" chinh phục nhà tuyển dụng, các cách xây dựng hồ sơ hoàn hảo... Ngoài ra, sinh viên của trường cũng đặt câu hỏi về những thắc mắc khi chuẩn bị hành trình mới của cuộc đời.

Phải có "mối quan hệ" mới có việc làm?

Tại buổi họp báo chương trình ngày hội việc làm, em Hồng Khánh, sinh viên khoa tài chính - ngân hàng cho biết, quá trình tìm hiểu ngành nghề để theo học, Khánh nhận thấy, ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là chuyên ngành tài chính có tỷ lệ việc làm sau khi ra trường thấp nếu như không có "mối quan hệ". 

sf - Ảnh 1.

Sinh viên thắc mắc, không có mối quan hệ, liệu có dễ xin việc vào lĩnh vực tài chính?. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Đây là một góc khuất em đã thắc mắc từ lâu nhưng chưa có cơ hội để trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. Liệu rằng một cử nhân mới ra trường có dễ dàng có được việc làm trong lĩnh vực này, hay phải có mối quan hệ mới vào được?", Hồng Khánh đặt câu hỏi với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Khánh cũng cho rằng, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu có kinh nghiệm. Đối với những người mới ra trường, họ cần chuẩn bị những gì để đáp ứng được tiêu chí này. Các doanh nghiệp liệu có sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ sinh viên mới ra trường để phát huy hết năng lực của mình hay không.

Trước câu hỏi này của sinh viên Hồng Khánh, đại diện một ngân hàng cho biết, doanh nghiệp của họ tuyển dụng sinh viên theo đúng ngành nghề được đào tạo. Ngân hàng sẽ có kỳ thi tuyển tập trung và sau đó là khâu phỏng vấn để tìm nhân sự phù hợp với vị trí việc làm. 

Kỳ thi tuyển diễn ra rất công bằng, bình thường, không có chuyện phải có "mối quan hệ" thì mới vào được ngân hàng. Do đó, vị đại diện này nhắn nhủ sinh viên cứ tự tin vào năng lực, trình độ của mình để thi tuyển vào vị trí công việc mà mình mong muốn.

Sinh viên e ngại phải có "mối quan hệ" mới xin được việc làm - Ảnh 3.

Đại diện doanh nghiệp trả lời thắc mắc của sinh viên. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tương tự Hồng Khánh, một nam sinh viên bày tỏ lo lắng khi tìm hiểu và biết mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường là khá thấp. Mặc dù sinh viên này biết rằng, tiền lương đi đôi với năng lực, giá trị mà sinh viên vừa ra trường mang lại cho doanh nghiệp... nhưng với những người vừa ra trường, hầu hết chưa thể đáp ứng được tiêu chí này vì cần có thời gian.

"Liệu các công ty có sẵn sàng đào tạo lại sinh viên mới ra trường các kỹ năng cần thiết một cách kỹ càng để họ sớm cải thiện thu nhập? Nếu để sinh viên mới ra trường tự tìm tòi, học hỏi thì quá trình này sẽ rất lâu", nam sinh viên băn khoăn.

TS Trương Thành Công, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng, sinh viên cần đặt câu hỏi cho chính bản thân là tại sao không trang bị đầy đủ trước khi đến doanh nghiệp làm việc.

Sinh viên e ngại phải có "mối quan hệ" mới xin được việc làm - Ảnh 4.

Sinh viên băn khoăn liệu doanh nghiệp có chấp nhận đào tạo lại để sinh viên mới ra trường nhanh chóng bắt nhịp làm việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Thầy Công cho rằng, không có công ty nào bỏ thời gian, chi phí, công sức để đào lại các kỹ năng cho sinh viên. Chính sinh viên phải chuẩn bị những điều này cho mình trước khi tham gia vào thị trường lao động. Do đó, tất cả sinh viên, nhất là sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin cần chủ động khai thác, sử dụng công nghệ để trang bị về các kỹ năng chuyên môn cho mình trước khi tìm đến doanh nghiệp.

3.000 đầu việc đang chờ sinh viên 

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing cho biết, với mong muốn trở thành cầu nối hữu hiệu giữa sinh viên với doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên có việc làm ngay trước khi ra trường, nhà trường tổ chức Ngày hội tuyển dụng tích hợp với gần 60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; hơn 3.000 đầu công việc cho sinh viên, từ thực tập sinh đến bán thời gian hay toàn thời gian. 

Sinh viên e ngại phải có "mối quan hệ" mới xin được việc làm - Ảnh 5.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing trả lời tại họp báo. Ảnh: MQ

Các lĩnh vực việc làm đa dạng từ ngân hàng, bất động sản, giáo dục đến thương mại, marketing, kế toán, du lịch, nhà hàng, khách sạn và các lĩnh vực kinh tế có liên quan.

Ông Đạo cũng cho biết, ngày hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa như Talkshow "Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng" và "Làm thế nào để sạc pin tinh thần hiệu quả" với sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng như Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An; ông Mario Mendis, Tổng quản lý Khách sạn Sofitel SG; ông Pardhu Narukula, nhà sáng lập start-up The Bear Connection; ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành  Tập đoàn Bin group… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem