Thời trang không làm đẹp hơn mà còn bảo vệ môi trường
Fashion Station (Trạm thời trang) là một sự kiện của nhóm sinh viên khoa Truyền thông & Marketing thời trang Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội phát động. Sự kiện được tổ chức online để phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Sự kiện nhằm phổ biến tư duy về thời trang bền vững, hướng dẫn cách hạn chế mua sắm mà vẫn sành điệu; tận dụng nguyên liệu tái chế; hạn chế rác thải độc hại từ sản xuất thời trang; những thông tin gây nhức nhối về ảnh hưởng của thời trang đến môi trường; chia sẻ của chuyên gia về thời trang bền vững…
Cụ thể, ở nội dung khuyến khích người trẻ hạn chế mua sắm quần áo, bạn Khánh An tư vấn cách phối kiểu mới với những món đồ cũ; độc đáo hơn là tận dụng tủ đồ của mẹ. Song song đó là một phần chia sẻ từ A-Z quá trình chuẩn bị, tự tổ chức một buổi đổi đồ online của cô bạn Minh Châu.
Với chủ đề kêu gọi hạn chế rác thải hóa học từ sản xuất thời trang, bạn Phan Thủy Tiên hướng dẫn nhuộm vải từ vỏ củ hành tây, không sử dụng hóa chất, đặc biệt thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe.
Trong phần dẫn dắt của mình, sinh viên Nguyễn Lê Hà Thu khiến người xem ấn tượng sâu sắc với phóng sự quá trình sản xuất vải denim gây hại tới môi trường lớn tới mức nào. Điều gì khiến vải bò được gọi là "thảm họa cho môi trường", vì sao cũng làm từ nguyên liệu tự nhiên là cây bông nhưng chúng lại tạo ra nhiều rác thải trong quá trình sản xuất hay lý do khiến nhuộm vải trở thành khâu tạo ra nhiều tác động xấu nhất tới môi trường…
Tận dụng nguyên liệu tái chế cũng là một lựa chọn để theo đuổi thời trang xanh. Tại Fashion Station, ngoài thử thách tạo mẫu với đồ jean cũ, một mẫu thiết kế sang chảnh làm từ vải bạt, vải tái chế sẽ làm không ít người phải trầm trồ.
Bám sát định hướng thời trang bền vững, nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu - Quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới Redress Design Award 2020 cho ra mắt trang phục từ vải tái chế rất độc đáo, trẻ trung.
Hà Thu cũng chia sẻ nhiều kiến thức về cách cắt rập không hoang phí, cách nhuộm màu tự nhiên, những khó khăn khi theo đuổi thời trang bền vững, như phải nắm rõ nguồn nguyên liệu xanh, cách tận dụng vải dư thừa…
Ngoài các nội dung gắn với thời trang bền vững, trong sự kiện Fashion Station, người xem còn được cùng cô bạn "bé hạt tiêu" Hồ Phương Mai (chủ sở hữu kênh Tiktok gần 70 nghìn follow) bước vào thế giới của những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội (Instagram, Tiktok).
Phương Mai chia sẻ kinh nghiệm sắp đặt góc quay chụp trong nhà như thế nào, chọn màu nền nào cho da sáng đẹp, dùng những app chỉnh ảnh nào hiệu quả… Tất cả các mẹo của Phương Mai đều hết sức hữu dụng.
Cùng với đó là câu chuyện của cô sinh viên ngoại quốc Vanessa - người tỉ mẩn tự làm những món trang sức nhỏ xinh trong những ngày tháng giãn cách.
Sinh viên Trần Phi Yến thổi làn gió mới qua cuộc phỏng vấn cùng nhiếp ảnh gia Trịnh Trần (Yukimusarai) - Giải nhất cuộc thi ảnh Proudly Vietnam. Qua đây, mọi người sẽ hiểu thêm về phong cách phi giới tính qua nhiếp ảnh thời trang.
Ngoài nội dung phong phú, sự kiện này còn có những tư vấn sâu cho các bạn trẻ mê chụp ảnh thời trang "sống ảo", chơi Instagram, Tiktok, hướng dẫn các góc quay ngay tại trường hay tại nhà của các sinh viên...
Với tính chất gần gũi này, những người sáng lập của Trạm Thời trang - các sinh viên khoa Truyền thông & Marketing Thời trang LCDF Hà Nội, kỳ vọng sẽ mang tới sự đồng cảm lớn, giúp người xem tìm thấy mình ở đó, cảm thấy tự tin hơn để theo đuổi thời trang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.