Snap, Meta chia sẻ “tin vui mới” sau khi ủy viên FCC nói Hoa Kỳ nên cấm TikTok
Mỹ xem xét cấm TikTok: Nỗi lo rò rỉ dữ liệu và sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Huỳnh Dũng
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 08:20 AM (GMT+7)
Cổ phiếu của công ty truyền thông xã hội Mỹ Snap và Meta tăng đột biến sau khi có tin tức lan truyền rằng, một Ủy viên Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) nói rằng, chính phủ Mỹ nên cấm TikTok.
"Tôi không tin rằng có một con đường phía trước cho bất kỳ điều gì khác ngoài lệnh cấm; Hội đồng Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) nên có hành động cấm TikTok", Ủy viên Đảng Cộng hòa Brendan Carr nói với tờ Axios trong một cuộc phỏng vấn mới nhất.
Carr nhấn mạnh những lo ngại về việc dữ liệu của người dùng Mỹ chảy ngược trở lại Trung Quốc, và nguy cơ một tổ chức nhà nước sử dụng TikTok để ngấm ngầm ảnh hưởng đến các tiến trình chính trị ở Mỹ.
"Về cốt lõi, TikTok hoạt động như một công cụ giám sát tinh vi thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân và nhạy cảm", Carr viết. "Thật vậy, TikTok thu thập mọi thứ từ lịch sử tìm kiếm và duyệt web cho đến các mẫu tổ hợp phím và nhận dạng sinh trắc học, bao gồm cả khuôn mặt… và giọng nói".
Carr nói: "Đơn giản là không có" một thế giới mà trong đó bạn có thể bảo vệ dữ liệu đầy đủ mà bạn có thể đủ tin tưởng rằng, nó sẽ không lọt vào tay Trung Quốc".
Đây là ngôn ngữ mạnh nhất mà Carr đã sử dụng cho đến nay để thúc giục hành động với TikTok. Carr đã gửi thư cho Apple và Google vào tháng 6 yêu cầu các công ty xóa ứng dụng TikTok khỏi cửa hàng của họ do lo ngại về việc dữ liệu chảy ngược trở lại Trung Quốc.
Với hơn 200 triệu lượt tải xuống chỉ riêng ở Mỹ, ứng dụng phổ biến đang trở thành một dạng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng - khiến quyền sở hữu ứng dụng của một công ty mẹ Trung Quốc trở thành mục tiêu của mối quan tâm ngày càng tăng về an ninh quốc gia.
Sau động thái này, giá cổ phiếu Snap bất ngờ tăng 3,4% và cổ phiếu Meta tăng 2,2% ngay vào hôm 1/11. Tuy nhiên, các bình luận từ Carr không nhất thiết báo hiệu bất kỳ hành động chính thức nào đang chờ xử lý chống lại TikTok ngay tại thị trường Mỹ.
Điều quan trọng là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) trong Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét các tác động tiềm ẩn về an ninh quốc gia của TikTok, do một công ty Trung Quốc, ByteDance sở hữu. Và Bộ Tư pháp Mỹ cũng là cơ quan dẫn đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận an ninh, tờ The New York Times đưa tin vào tháng 9.
Mối quan tâm về các rủi ro bảo mật tiềm ẩn của TikTok nói chung là có đa đảng ủng hộ. Cả chính quyền Trump và Biden đều bày tỏ lo ngại và xem xét lại mối quan hệ của TikTok với chủ sở hữu đến từ Trung Quốc.
TikTok vẫn khẳng định rằng họ lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ bên ngoài Trung Quốc để không phải chuyển thông tin đó cho chính phủ, nhưng các quan chức Mỹ vẫn giữ thái độ hoài nghi cao của họ trong câu chuyện này.
Điển hình là một loạt báo cáo gần đây đã thách thức tuyên bố của TikTok rằng dữ liệu người dùng Mỹ được bảo mật, vì nó được lưu trữ bên ngoài Trung Quốc và công ty không tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt nội dung của chính phủ Trung Quốc.
• Các kỹ sư ở Trung Quốc làm việc tại TikTok đã truy cập thông tin người dùng không công khai của Hoa Kỳ, bao gồm cả số điện thoại và ngày sinh, BuzzFeed đưa tin vào tháng 6.
• ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, đã hướng dẫn nhân viên đẩy tin nhắn ủng hộ Bắc Kinh tới người dùng ứng dụng TikTok ở Mỹ, BuzzFeed đưa tin vào tháng 7. Bytedance thì cho biết họ không làm điều này.
• ByteDance đã lên kế hoạch sử dụng TikTok để thu thập thông tin về một số người dùng Hoa Kỳ, theo một báo cáo của Tạp chí Forbes được công bố vào tháng trước.
Trong động thái phản hồi mới nhất, người phát ngôn của TikTok cho biết: "Ủy viên Carr không có vai trò gì trong các cuộc thảo luận bí mật với chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến TikTok, và dường như ông ấy đang bày tỏ quan điểm độc lập với vai trò là ủy viên FCC".
"Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đang trên con đường đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ sẽ thỏa mãn tất cả các mối quan tâm hợp lý về an ninh quốc gia".
Người phát ngôn cho biết thêm, TikTok ủng hộ việc thông qua luật bảo mật dữ liệu quốc gia áp dụng cho tất cả các chi nhánh công ty. TikTok khẳng định, họ hiện đang đàm phán với CFIUS, một ủy ban liên ngành tiến hành đánh giá an ninh quốc gia về các giao dịch của các công ty nước ngoài, để xác định xem liệu họ có thể được công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc thoái vốn cho một công ty Mỹ và vẫn hoạt động tại Mỹ hay không. Thời báo New York đưa tin vào tháng 9 rằng, một thỏa thuận đang được hình thành nhưng vẫn chưa ở bước cuối cùng và quan chức Bộ Tư pháp Lisa Monaco lo ngại rằng thỏa thuận này không cung cấp đủ sự đồng ý từ Bắc Kinh.
Thậm chí, một Ủy ban do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể cố gắng loại bỏ bất kỳ thỏa thuận nào được coi là quá dễ dàng đối với Trung Quốc.
Trước đó, Chính quyền Trump đã cố gắng cấm ứng dụng này vào năm 2020 không thành công, sau đó họ ra lệnh cho ByteDance thoái vốn TikTok cho một công ty Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng không có cuộc mua bán nào được thực hiện.
"Đây không phải là điều mà bạn thường nghe tôi nói, nhưng Donald Trump đã đúng trên lập trường ứng xử với TikTok nhiều năm trước", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner cho biết vào tuần trước. "Nếu quốc gia của bạn sử dụng Huawei, nếu con bạn sử dụng TikTok ... khả năng Trung Quốc có ảnh hưởng quá mức là một thách thức lớn hơn nhiều, và là mối đe dọa tức thời hơn nhiều so với bất kỳ loại xung đột vũ trang thực tế nào".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.