Ngày 17.4, có thêm 33 ca nhiễm chéo sởi từ các khoa khác của BV Nhi T.Ư chuyển về Khoa Truyền nhiễm (dành riêng điều trị sởi).
Ngày 18.4, sau 4 tháng dịch sởi diễn ra một cách bất thường, Bộ Y tế mới tổ chức họp báo, thông tin cho phóng viên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vẫn “né” câu hỏi về nhận định mức độ nghiêm trọng của dịch sởi. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ tử vong do sởi năm nay cao gấp 30 lần đỉnh dịch năm 2009-2010 (chỉ có 4 trẻ tử vong).
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn quốc có gần 3.500 trường hợp mắc sởi trong số gần 8.800 trường hợp nghi mắc sởi và 112 ca tử vong do sởi và các biến chứng liên quan đến sởi.
Ngày 17.4, tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư đã có thêm 2 ca nặng do sởi xin về (không qua khỏi - PV). Đáng lo ngại, cùng ngày, có thêm 33 ca nhiễm chéo sởi từ các khoa khác của BV chuyển về Khoa Truyền nhiễm (dành riêng điều trị sởi). Như vậy, các giải pháp ngăn chặn nhiễm chéo trong BV vẫn không hề giảm bớt.
TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cũng nhận định: “BV Nhi T.Ư đang là vùng lõm của dịch sởi; trong khi bệnh sởi chỉ cần “đi qua đầu giường” cũng có thể mắc nên chưa thể giảm bớt được tình trạng nhiễm chéo”.
TS Điển - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, để đối phó với việc lây nhiễm chéo, BV đã quyết liệt giảm tải cho tất cả các khoa hô hấp, truyền nhiễm; cắt giảm các hoạt động phẫu thuật ngoại khoa, chỉ phẫu thuật cấp cứu và bán cấp cứu; dành riêng khu thở ôxy cho hơn 50 cháu đang thở ôxy để tránh bệnh nặng lên thì phải chuyển sang thở máy. Các cháu đang thoái triển bệnh (ban đã bay gần hết; giảm sốt) thì nằm riêng một khoa để có điều kiện phục hồi tốt hơn…
Thứ trưởng Long cho biết, Việt Nam đã và đang có dịch sởi, việc không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Theo ông Long, theo luật, chỉ cần 1 ổ dịch có 3 người nghi ngờ mắc sởi, trong đó có 2 ca chắc chắn là sởi thì đã được coi là “có dịch” và địa phương phải triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống. Còn “công bố dịch” là ở mức độ cao hơn khi dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của tình, có biến đổi độc lực cao, nguy hiểm cho cộng đồng.
“Khi công bố dịch thì sẽ phải triển khai các biện pháp rất cấp cách như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, cấm tổ chức hội họp và cưỡng chế cách ly. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế chính trị, sinh hoạt của số đông người dân. Do đó cần phải cân nhắc” - Thứ trưởng Long cho biết.
Hiện Bộ Y tế đang đề ra hàng loạt các biện pháp cấp bách để dập dịch như: Tổ chức chiến dịch tiêm vét phòng sởi, yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với dịch bệnh, tránh lây lan và hạn chế tử vong; xuất kho dự trữ quốc gia các máy thở để “cứu trợ” cho các điểm nóng điều trị dịch bệnh như BV Nhi T.Ư, BV Xanh Pôn, Khoa Nhi BV Bạch Mai…
“Các giải pháp để hạn chế dịch sởi Bộ Y tế đã ráo riết, cấp tập đề ra, tuy nhiên, có hiện tượng “nóng về chỉ đạo, lạnh về thực hiện”, một số nơi thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để. Bộ Y tế sẽ công bố danh sách về tỷ lệ tiêm vét sởi của các tỉnh để thấy rõ tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào chưa để yêu cầu các tỉnh làm mạnh hơn” - Thứ trưởng Long cho biết.
Cùng ngày, GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng khẳng định, con số gần 9.000 ca mắc sởi năm nay là bình thường vì đang nằm trong chu kỳ 3-4 năm bùng phát dịch sởi một lần. Tuy nhiên, con số 112 trẻ tử vong là quá bất thường. Vì trong đợt dịch năm 2009-2010 khiến hơn 8.000 người mắc cũng chỉ ghi nhận 4 trường hợp trẻ tử vong. Còn 10 năm trở lại đây, mỗi năm cũng chỉ ghi nhận 1-2 ca tử vong do sởi.
Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây tử vong cũng như sự bất thường của dịch sởi năm nay, nhất là đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi, GS Hiển cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ đã giao cho viện chủ trì đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Đặc điểm dịch học, miễn dịch học, virus học và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở VN năm 2013-2014”. Các nhà nghiên cứu sẽ hồi cứu lại hồ sơ bệnh án của các ca tử vong và của các bệnh nhân nhẹ để tìm sự khác biệt.
Diệu Linh (Diệu Linh )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.