Lạc vào "ma trận" kit test nhanh Covid-19 tại Hà Nội
Số ca nhiễm Covid-19 tăng, người dân Thủ đô lạc vào "ma trận" kit test nhanh
Nhóm PV
Thứ hai, ngày 21/02/2022 13:57 PM (GMT+7)
Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội tăng trong những ngày qua khiến nhiều người dân lùng mua kit test nhanh Covid-19. Trên mạng xã hội, loại vật tư y tế này được chào mới với nhiều mức giá, nguồn gốc khiến người dân như lạc vào "ma trận" kit test nhanh.
Trong quá trình chống dịch, nhiều địa phương đã khuyến khích người dân chủ động sử dụng test nhanh để phát hiện Covid-19 và kết quả này được công nhận.
Tuy nhiên, với việc trên thị trường xuất hiện nhiều loại kit test nhanh không có nguồn gốc, xuất xứ đang gây hoang mang cho người sử dụng, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến sai lệch trong kết quả xét nghiệm.
Từ mạng xã hội đến nhiều hiệu thuốc hiện quảng cáo có đủ loại kit test, người dân băn khoăn không biết chọn loại nào có chất lượng bởi mới đây lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 85.000 que test nhanh nhập lậu từ Hàn Quốc.
Cụ thể, ngày 17/2, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng có dấu hiệu vi phạm.
Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid-19 các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.
Theo quy định mặt hàng test nhanh Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.
Phóng viên Dân Việt đã đi vào "ma trận" kit test nhanh tại Hà Nội để tìm hiểu. Tại các cửa hàng thuốc, sản phẩm kit test nhanh rất đa dạng, dao động từ hơn 65.000 - 200.000 đồng/test. Theo khảo sát , giá kit test liên tục tăng trong những ngày qua trên địa bàn Hà Nội.
Kit test nhanh kháng nguyên Biocredit Covid-19 Ag Rapineinc của Hàn Quốc trước đó được chào giá 65.000 đồng/test nhưng chỉ sau ít ngay đã đồng loạt tăng thêm 15.000 đồng/test. Kit test nhanh Humasis Covid-19 Ag Test giá hơn 100.000 đồng/test cũng tăng lên 120.000 đồng/test. Kit test SGTi-flex Covid-19 Ag cũng tăng chóng mặt từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/test.
Tại một quầy thuốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội), người bán liên tục cam kết với chúng tôi về chất lượng kit test.
"Ra Tết đến nay chị bán nhiều test lắm rồi, người mua ra vào liên tục. Sau khi số ca tăng nhanh kit test cũng hiếm hơn nên nhiều nhà thuốc họ đẩy giá cao lắm. Loại kit test Biocredit của Hàn Quốc được chuộng nhất, tăng giá mạnh do khan hàng, hơn nữa đây là loại được Bộ Y tế cấp phép và các cơ sở y tế dùng rất nhiều", nhân viên nhà thuốc chào bán.
Một địa chỉ khác tại Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng giới thiệu cho phóng viên loại kit test xách tay giá "mềm" hơn, chỉ hơn 50.000 đồng - 65.000 đồng/test, nếu mua nhiều sẽ được giảm giá.
Không chỉ có các loại test nhanh bằng cách lấy dịch mũi, dịch tỵ hầu mà gần đây, những loại test nhanh bằng nước bọt cũng đang được nhiều nơi chào bán, nhất là trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.
Loại kit test bằng bọt Easy Diagnosis Covid-19 Antigen Rapid cũng được nhiều người tìm mua nhưng khan hàng, hoặc giá rất cao gần 200.000 đồng/test.
Anh Nguyễn Xuân Đức (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 8 người, nhưng 3 người bị nhiễm Covid-19, nên việc test nhanh thực hiện liên tục cho cả nhà.
"Mỗi lần ra nhà thuốc, tôi lại mua được một loại kit test khác nhau, không biết chất lượng có đảm bảo hay không. Nhà thuốc nào cũng khẳng định đây là loại tốt, cho kết quả chính xác. Nhưng mỗi lúc một loại, không biết đường nào mà lần. Tôi cũng lên mạng tìm kiếm nhưng như ma trận ấy, nhiều loại quá. Không lẽ khi mua lại yêu cầu họ xuất trình giấy tờ chứng thực thật giả", anh Đức bức xúc.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19 muốn nhập khẩu và lưu hành ở Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế thẩm định và cấp phép.
“Việc các cá nhân rao bán kit test trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng rất nguy hiểm. Nếu là loại giả hàng kém chất lượng cho kết quả sai từ dương tính sang âm tính sẽ khiến người dân chủ quan, không phòng bệnh. Ngược lại trường hợp từ âm tính thành dương tính khiến nhiều người hoang mang lo sợ.
Thị trường kit test "loạn" trong thời điểm số ca tăng là điều không lạ bởi lợi nhuận đem lại lớn. Cơ quan chức năng cần có kế hoạch cụ thể, rà soát, kiểm soát thị trường kit test để người dân yên tâm", ông Phu nói.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, giá kit test không hề rẻ và không phải ai cũng có điều kiện mua về thử hằng ngày. Bên cạnh đó việc sử dụng và xử lý rác thải sau đó không đúng quy định có thể khiến nguồn bệnh lây lan. Vì vậy, đầu tiên người dân nên thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Tiếp theo là theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ra cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện để các cơ sở kinh doanh có thể mua, bán kit test nhanh bao gồm:
Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật sở hữu trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật, y, dược, cao đẳng kỹ thuật trang thiết bị y tế trở lên hoặc trình độ cao đẳng trở lên với chuyên ngành được đào tạo phù hợp loại trang thiết bị này.
Có kho bảo quản và phương tiện vận chuyển đáp ứng các điều kiện tối thiểu được nêu trong Nghị định.
Mạng xã hội rao bán tràn lan nhưng Trạm y tế không có test
Theo thông tin phóng viên nắm được, một số Trạm y tế tại huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) không có kit test để thực hiện xét nghiệm cho người dân. Người dân phải tự test tại nhà, kể cả những trường hợp F0. Người dân gọi điện nhưng Trạm y tế liên tục báo hết kit test.
Thông tin từ nhân viên tại một trạm y tế trên địa bàn huyện Nghi Lộc cho biết, số lượng ca F0 tăng nhanh nhưng lượng kit test cấp quá ít, không đủ để xét nghiệm cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.