“Số đẹp” trong y khoa

Phan Sơn (Thế giới Tiếp thị) Thứ tư, ngày 16/07/2014 08:20 AM (GMT+7)
Sau hàng chục năm trời khoác lên mình chiếc áo “xuất sắc toàn diện”, nhiều bệnh viện phải trở về với hình hài thực sự của mình, chỉ là bệnh viện xoàng xĩnh về chất lượng. 
Bình luận 0

Là dân Á Đông, không ít người Việt Nam chịu ảnh hưởng của niềm tin dân gian về con số. Đã chọn số điện thoại hay biển số xe, người ta thích chọn “số đẹp”, không chỉ dễ nhớ mà còn tin rằng chúng sẽ đem lại hạnh phúc, sức khoẻ, may mắn và công danh. Bằng chứng là do được đọc chệch thành Lộc Phát, nên các số 68, 86, 6688 hay 8866 được nhiều người ưa chuộng. Trong khi đó, dẫu chẳng có tội tình gì, nhưng số 78 bị giới làm ăn ruồng rẫy vì phát âm là… “thất bát”!

Nhưng đó là dân gian, số đẹp hay xấu chẳng ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Còn trong quản lý, số đẹp đôi khi cho ra kết cục tệ hại. Tuần qua, kết quả đánh giá 53/63 cơ sở y tế trên toàn quốc theo tiêu chí mới của bộ Y tế cho thấy hầu hết bệnh viện Việt Nam chỉ đạt mức độ trung bình. Cụ thể, nếu chất lượng từ kém đến xuất sắc được cho điểm từ 1 – 5, đa số bệnh viện cả công và tư Việt Nam chỉ đạt mức 2,5 – 3.

Vậy là sau hàng chục năm trời khoác lên mình chiếc áo “xuất sắc toàn diện”, nhiều bệnh viện nước nhà phải trở về với hình hài thực sự của mình, chỉ là bệnh viện xoàng xĩnh về chất lượng. Tại sao có sự khác biệt này? Đơn giản vì tiêu chí đánh giá bệnh viện trước đây không đi vào thực chất, nặng về hình thức, tạo điều kiện cho nhà quản lý đưa ra những “số đẹp” để báo cáo lấy thành tích và khoe công với cấp trên.

Cấp trên biết không? Chắc chắn biết, nhưng họ cũng cần “số đẹp” để báo cáo lên cấp cao hơn nữa. Thế là xuất hiện một ngành y tế quay cuồng với những con số đẹp đẽ, tròn trĩnh về chữa bệnh trong khi người dân vào bệnh viện lại luôn đối mặt về những dịch vụ kém cỏi và phập phồng về tai biến y khoa.

Thật ra bản thân “con số đẹp” không hề có lỗi, lỗi hay không chính là việc chúng được con người sử dụng với mục đích gì. Nguyên giám đốc một bệnh viện của TP.HCM cho biết thời còn làm việc ông từng xin cấp trên được báo cáo thật, từ đó bệnh viện mới có thể nhận diện khuyết điểm và khắc phục. Thế nhưng yêu cầu này bị gạt bỏ vì cấp trên lý luận điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của cả ngành. Ông nói với tôi: “Suy nghĩ như thế chẳng khác gì khuyến khích cả ngành y tế báo cáo láo!”

Nhưng cấp trên cũng có người hiểu biết. Giữa tháng qua, tại khoá tập huấn về giảm thiểu tai biến y khoa ở Hà Nội, ông Phạm Đức Mục, chủ tịch hội Điều dưỡng Việt Nam, nguyên phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế), khẩn thiết đề nghị xem xét lại thực trạng tai biến y khoa ở các bệnh viện Việt Nam vì theo ông, “số tai biến y khoa công bố trên báo chí chỉ là những tai biến không thể giấu được, quá ít ỏi so với thực tế”.

Theo một nghiên cứu của văn phòng Tổng thanh tra các dịch vụ con người và sức khoẻ Mỹ, chỉ trong năm 2010 các bệnh viện nước này đã khiến 180.000 bệnh nhân tử vong vì tai biến y khoa, nguyên nhân tử vong xếp thứ ba, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Không lý gì một nền y khoa tiên tiến như Mỹ mà hàng năm có cả trăm ngàn người chết vì tai biến y khoa mà Việt Nam lại không có hoặc có nhưng không đáng kể!

Số điện thoại hay biển số xe đẹp chắc hẳn không có gì tai hại, nhưng “số đẹp” trong y khoa coi chừng lại gây hậu quả khủng khiếp. Bởi khi đó coi chừng cái xấu bị che giấu và được đánh tráo bằng cái đẹp. Trong một xã hội mà cái xấu không bị loại trừ thì xã hội thật khó phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem