"So găng" 2 cường quốc kinh tế, liệu Ấn Độ có "qua mặt" được Trung Quốc?

Nam Hải Thứ sáu, ngày 05/01/2024 14:37 PM (GMT+7)
Tốc độ tăng trưởng luôn vượt mức dự báo gần đây đã đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vượt xa Trung Quốc. Tuy nhiên nhìn vào các con số hiện tại, Ấn Độ cần có thêm nhiều thời gian và điều kiện mới có thể "vượt mặt" Trung Quốc trên bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới.
Bình luận 0

Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ vượt xa Trung Quốc dù tổng sản phẩm quốc nội chỉ bằng 1/3

Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc đạt 91,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 12,48 nghìn tỷ USD, tăng 5,2% trong ba quý đầu năm 2023.

Trong khi đó, từ 1 nước có GDP đứng thứ 10 thế giới (2014), mới đây, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: “GDP của Ấn Độ đã tăng lên 3,75 nghìn tỷ USD vào năm 2023, từ con số 2 nghìn tỷ USD vào năm 2014. Từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 10, hiện nay, Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Ấn Độ hiện được gọi là Điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu”. Theo mức tổng sản phẩm quốc nội như hiện tại, GDP của Ấn Độ đang xếp trên Anh (3,159 tỷ USD), Pháp (2,924 tỷ USD), Canada (2,089 tỷ USD), Nga (1,840 tỷ USD) và Úc (1,550 tỷ USD). Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm và hiện chỉ đứng sau Mỹ (26,854 tỷ USD), Trung Quốc (19,374 tỷ USD), Nhật Bản (4,410 tỷ USD) và Đức (4,309 tỷ USD) theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF).

"So găng" 2 cường quốc kinh tế, liệu Ấn Độ có "qua mặt" được Trung Quốc?- Ảnh 1.

GDP của Trung Quốc và Ấn Độ sau 10 năm (Đơn vị tính là nghìn tỷ đô la)

Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế nổi bật trong năm 2023, như một hiện tượng đặc biệt trong bối cảnh khó khăn trên toàn cầu. GDP thực tế của Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng đáng chú ý là 7,6% trong quý 3/2023, vượt qua kỳ vọng. Mức tăng trưởng này được đánh giá là nhanh hơn so với Trung Quốc, khiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của Ấn Độ cao hơn tỷ lệ 4-5% của Trung Quốc và cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Tăng trưởng của Ấn Độ năm 2023 - 2024 được dự báo cao nhất trong 13 nền kinh tế lớn, dự kiến ở mức 6,7%, theo sau là Trung Quốc ở mức 4,8%.

Trung tâm tư vấn kinh tế và nghiên cứu kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh cho biết, đà tăng trưởng GDP bền vững của Ấn Độ sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,5% từ năm 2024 đến năm 2028, qua đó vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2032. Báo cáo của CEBR cho biết: “Ấn Độ được dự đoán sẽ có GDP lớn hơn 90% so với Trung Quốc và lớn hơn 30% so với Mỹ vào cuối thế kỷ này”.

Lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ trong năm 2023 vượt xa Trung Quốc và các nước trong khu vực khác

Theo thống kê của S&P Global, chỉ số PMI Sản xuất của Ấn Độ trong tháng 12/2023 ghi nhận là 54,9 điểm, giảm hơn 1 điểm từ mức 56,0 của một tháng trước đó. Tuy vậy, chỉ số này vẫn cao hơn đất nước tỷ dân, khi Trung Quốc ghi nhận PMI sản xuất là 50,8 điểm, tăng 0,1 điểm so với tháng trước. Đây là mức cao nhất trong 4 tháng của nước này, đánh dấu mức tăng ổn định sau khi nước này nhấn mạnh vào các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các nhà sản xuất Trung Quốc dự đoán sản lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024, nhờ dự báo về nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ hơn, chi tiêu của khách hàng cao hơn và đầu tư vào sản phẩm mới.

Sự sụt giảm của PMI sản xuất Ấn Độ xảy ra vào thời điểm lạm phát vẫn ở mức cao, xuất khẩu chững lại và tăng trưởng của ngành cốt lõi giảm. Lạm phát bán lẻ (Chỉ số giá tiêu dùng hay CPI) ở mức 5,55% trong tháng 11, tăng từ mức 4,87% trong tháng 10 và 5,02% trong tháng 9, mặc dù so sánh thuận lợi với mức 5,88% của tháng 11 năm 2022. Bên cạnh đó, việc thắt chặt lãi suất do lạm phát dai dẳng, đặc biệt ở các nền kinh tế tiên tiến, đã khiến hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại bị chậm lại. Xung đột ở Ukraine và Tây Á cũng đe dọa đẩy giá hàng hóa tăng cao, cũng dẫn đến áp lực lạm phát lớn hơn.

HSBC Holdings Plc cho biết, bất chấp sự chậm lại của tháng trước, PMI Ấn Độ vẫn cao hơn xu hướng dài hạn, với số lượng đơn đặt hàng quốc tế tăng trong tháng thứ 21 liên tiếp trong tháng 12. Lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ tiếp tục vượt xa khu vực do hoạt động kinh tế trì trệ đè nặng lên các nhà máy ở Trung Quốc và các nơi khác.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng sán xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ

Nỗ lực mở rộng tại Ấn Độ của Foxconn những năm gần đây cho thấy vị thế sản xuất của Trung Quốc đang đi xuống và có thể đánh mất ngôi vương về sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng. Apple cùng với các thương hiệu Mỹ khác đang kêu gọi các nhà cung ứng có nhà máy ở Trung Quốc tìm kiếm các nơi sản xuất thay thế, như Ấn Độ và Việt Nam. Điều này sẽ tái định hình lại chuỗi cung ứng vốn đã bị đảo lộn sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Ấn Độ có lực lượng lao động và thị trường nội địa đạt quy mô ngang ngửa với Trung Quốc. Theo số liệu của Liên hợp quốc, Ấn Độ mới đây đã vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới. Ước tính Ấn Độ sẽ có khoảng 1 tỷ người dùng smartphone vào năm 2026, qua đó trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

Tại Ấn độ, Foxconn đã vận hành 9 khu sản xuất và hơn 30 nhà máy, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục ngàn người dân ở đây. Đầu năm 2023, Apple đã chuẩn bị dịch chuyển ít nhất 20% sản lượng sản xuất iPhone sang Ấn Độ trong những năm tới. Hiện Ấn Độ mới chỉ chiếm chưa đến 10% sản lượng sản xuất iPhone.

Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới là Walmart cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nỗ lực cắt giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8/2023, 25% hàng nhập khẩu của nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart đến từ Ấn Độ. Con số này chỉ khoảng 2% vào năm 2018. Dữ liệu cho thấy chỉ 60% lô hàng của Walmart đến từ Trung Quốc trong cùng thời gian, giảm từ mức 80% vào năm 2018. 

Walmart đã tăng tốc trong các hoạt động ở Ấn Độ kể từ năm 2018, khi công ty mua 77% cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart. Hai năm sau, Walmart cam kết nhập khẩu 10 tỷ USD hàng hóa từ Ấn Độ mỗi năm cho đến năm 2027. Một trong những lý do khiến Walmart chuyển hướng nhập khẩu và liên kết sản xuất hàng hóa từ Trung Quốc sang Ấn Độ là do mức lương tối thiểu của công nhân Trung Quốc khác biệt theo từng tỉnh và đôi khi là theo từng thành phố, dao động từ 1.420 nhân dân tệ mỗi tháng đến 2.690 nhân dân tệ mỗi tháng (198,52 - 376,08 USD). Trong khi đó, mức lương trung bình của người lao động phổ thông ở Ấn Độ chỉ dao động từ khoảng 9.000 rupee Ấn Độ đến 15.000 rupee Ấn Độ một tháng (108,04 - 180,06 USD). Mức lương này giúp các nhà sản xuất tiết kiệm một nửa chi phí.

Các căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây cũng mở ra một cơ hội khác cho Ấn Độ, khi tình huống này khuyến khích các công ty nước ngoài chuyển sản xuất từ Trung Quốc đến các quốc gia khác. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đang quan sát và đang chờ đợi để đầu tư. Một mặt, doanh nghiệp mong muốn sự ổn định trong lãnh đạo chính trị, và Ấn Độ dường như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như vậy. 

Kết

Ấn Độ vẫn đang trên đà phát triển, nhưng mức tăng trưởng 6 - 7% chưa đủ để đáp ứng hoài bão đuổi kịp Trung Quốc của nước này. Dân số Ấn Độ, hiện nay là lớn nhất thế giới, và vẫn đang tiếp tục tăng. Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu quốc gia là đuổi kịp Trung Quốc và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047. Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng để đạt được bước nhảy như vậy Ấn Độ sẽ đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững gần 8 hoặc 9% mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ sẽ còn phải cố gắng trong nhiều năm nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem