“Sờ gáy” ngành công nghiệp hàng hải và cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ ba, ngày 17/12/2013 08:29 AM (GMT+7)
Cuộc chiến chống tham nhũng của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng đã chạm đến ngành “con cưng” của chính phủ, ngành công nghiệp hàng hải, bằng việc điều tra Phó chủ tịch Tập đoàn COSCO.
Bình luận 0
COSCO, công ty lớn nhất Trung Quốc về khả năng chuyên chở hàng hải, thông báo ông Từ Mẫn Kiệt, Phó chủ tịch tập đoàn hàng hải COSCO kiêm giám đốc điều hành COSCO Holding Trung Quốc, đã từ chức. Trong thông cáo trên sàn chứng khoán Hong Kong, COSCO nói ông Từ từ chức vì “lý do cá nhân”. Trước đó, COSCO cho biết Từ đang bị điều tra bởi “một đơn vị liên quan”. Cổ phiếu COSCO niêm yết trên sàn Hong Kong đóng cửa ở mức giảm 5% vào cuối tuần trước, chỉ số này giảm 3,9% tại sàn chứng khoán Thượng Hải.
Ông Từ Mẫn Kiệt
Ông Từ Mẫn Kiệt

Trước đó, báo chí Trung Quốc cho biết ông Mạnh Khánh Lâm (Meng Qinglin), nguyên giám đốc công ty con phụ trách tàu chở dầu của COSCO, đã bị cơ quan thẩm quyền điều tra. Tờ Thời báo Bắc Kinh cho biết Mạnh bị cấm xuất cảnh. Tuy nhiên, trong thông cáo ngày thứ sáu, COSCO đã bác bỏ thông tin này.

Hoạt động kinh doanh của COSCO gồm vận chuyển bằng tàu container và vận chuyển hàng không, cũng như các dịch vụ cảng. COSCO cho biết Từ là một lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng hải và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại công ty. Tuy nhiên, COSCO khẳng định việc điều tra không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty. Công ty cho biết hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Trước khi vụ việc diễn ra, ông Từ được đồn đoán có thể là người sẽ lên chức Chủ tịch tập đoàn.

Vụ việc là cú tát mới nhất vào ngành công nghiệp hàng hải thua lỗ nặng nề của Trung Quốc. Tháng trước, COSCO báo lỗ 171 triệu USD (quý 3). Công ty này cũng liên tục báo lỗ trong hai năm 2011 và 2012. Trong 3 quý đầu năm 2013, COSCO thua lỗ 2,03 tỷ nhân dân tệ, rất tệ nhưng vẫn đỡ hơn mức thua lỗ 6,4 tỷ nhân dân tệ hồi cùng kỳ năm ngoái. Vì thua lỗ 2 năm liên tiếp, COSCO bị đưa vào diện cảnh báo đặc biệt theo quy định của sàn Chứng khoán Thượng Hải. Theo đó, cổ phiếu COSCO chỉ được giao dịch mỗi ngày tối đa 5%, so với mức thông thường là 10%. Nếu COSCO thua lỗ 2 năm liên tiếp, theo quy định nó sẽ bị hủy niêm yết ở Thượng Hải, và đó sẽ là lần đầu tiên với một doanh nghiệp nhà nước.

COSCO tung ra kế hoạch tăng đội tàu ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu khiến nhu cầu vận chuyển hàng hải sụt giảm nghiêm trọng, làm công ty thua lỗ nặng. Năm 2011, công ty thua lỗ 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD). Năm 2012, công ty lỗ 9,56 tỷ nhân dân tệ.

Dấu hiệu cải tổ?

img

Ông Từ Mẫn Kiệt là người đầu tiên trong ngành hàng hải bị điều tra kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng đánh cả “ruồi” lẫn “hổ”. COSCO là tập đoàn nhà nước thứ hai của Trung Quốc bị dính bê bối tham nhũng. Từ tháng 8 - 9, 5 lãnh đạo cấp cao của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Vụ bê bối bắt đầu vỡ lở kể từ khi "vua dầu mỏ" Tưởng Khiết Mẫn, cựu giám đốc PetroChina và CNPC. Ông Tưởng Khiết Mẫn từng được mệnh danh là "vua dầu mỏ" Trung Quốc. Trước đó, vào đầu tháng 7, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đã lĩnh án tử hình, miễn thi hành án 2 năm, do nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Những diễn biến này có thể đặt nền tảng cho những cải tổ đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong bối cảnh các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tham dự Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 tại Bắc Kinh, theo Hu Xingdou, một giáo sư của Trường Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh. “Những nỗ lực chống tham nhũng của các lãnh đạo mới là chưa từng có”, ông Hu nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Các cuộc điều tra có thể giúp các nhà lãnh đạo thực hiện cải cách theo hướng thị trường tại các doanh nghiệp nhà nước hiện là độc quyền tại thời điểm này”.

Giới quan sát tin rằng cải tổ doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung cải cách quan trọng của Hội nghị Trung ương 3 lần này. Hiện khu vực này đang thống trị các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, viễn thông, dầu khí. Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp nhà nước đang làm hao tổn nguồn lực quốc gia do công suất dư thừa và quản trị kém.

Cũng có những lo ngại các doanh nghiệp nhà nước tạo ra độc quyền, cản trở tăng trưởng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước được lợi thế cạnh tranh so với khu vực tư nhân khi có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước. Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng Trung Quốc cần phải cải cách các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh để nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.

Người ta cũng tin rằng việc đánh vào các quan chức đầu ngành trong những doanh nghiệp nhà nước vừa qua cũng là dấu hiệu có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang tấn công các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích thường có liên hệ với các ngành công nghiệp nhà nước, hưởng lợi nhờ độc quyền, ưu đãi khi vay vốn ngân hàng, chính sách đất đai.

Các chuyên gia nói Trung Quốc đang bị trì trệ một phần vì các nhóm này. Cheng Li, học giả về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings, nói điều tra CNPC chứng tỏ quyết tâm kiểm soát khu vực năng lượng đầy quyền lực. Học giả Cheng Li nói: “Có thông điệp rõ là (Chủ tịch) Tập Cận Bình và (Thủ tướng) Lý Khắc Cường muốn triệt hạ các nhóm lợi ích bảo thủ, để mở đường cho cải tổ mang tính thị trường”.

Cuộc chiến chống tham nhũng

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở chiến dịch chống tham nhũng, điển hình là cuộc điều tra cáo buộc khống chế giá trong ngành dược. Tập đoàn dược GlaxoSmithKline của Anh đã bị Công an Trung Quốc cáo buộc tội hối lộ. Một cựu giám đốc của Tập đoàn viễn thông China Mobile cũng đang bị điều tra. "Chống tham nhũng là điểm khởi đầu cho giấc mơ Trung Hoa" một blogger viết trên weibo, một trang mạng xã hội kiểu như Twitter ở Trung Quốc. "Tiền này có thể được dùng để củng cố sức mạnh quốc phòng và cải thiện đời sống nhân dân. Cả nước ủng hộ Bí thư Tập và đi theo ông".

Các chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan. Giáo sư Hồ Tinh Đẩu từ Bắc Kinh nói chiến dịch này khác nhiều so với những nỗ lực tương tự trước kia trong việc quét sạch nạn tham nhũng trong chính phủ. "Đây là một nỗ lực vô tiền khoáng hậu trong việc trấn áp tham nhũng, và các quan chức bị điều tra đang ngày càng ở cấp cao hơn," ông nói.

Chiến dịch "hổ và ruồi" của ông Tập có vẻ như đã diễn ra được một thời gian dài, nhiều người tin vậy, và đã tóm được nhiều quan chức của đảng, cho nên khó có thể nói nó chỉ là hành động chính trị suông. Nhưng nhiều người đặt vấn đề có nhiều quan chức cao cấp nổi lên nắm quyền lực thông qua chính cùng một hệ thống tham nhũng đó, rồi nay họ lại cố làm sạch nó. Ở một mức độ nào đó. Sự tức giận của dân chúng về chuyện tham nhũng, mà bằng chứng là những quan chức đeo đồng hồ Rolex xa xỉ, dường như đã tới mức đỉnh điểm, buộc đảng phải thực sự nhìn vào vấn đề.

Tuy nhiên, giáo sư Andrew Wedeman cho rằng Đảng Cộng sản đang muốn giảm nạn này xuống mức có thể kiểm soát được. "Đảng Cộng sản tập trung quyền lực vào tay quan chức nắm giữ những vị trí có thể tham nhũng, và rồi đồng thời lại che giấu nó. Họ bắt giữ, kết án và bỏ tù một lượng lớn các quan chức mỗi năm. Do đó, về lý thuyết là có thể trấn áp được tham nhũng”, ông Wedeman nói.

Có gần 200.000 trường hợp bị điều tra về tội tham nhũng và nhận hối lộ tại Trung Quốc tính từ tháng 1-2008 đến tháng 8 năm nay. Trong đó 32 trường hợp là quan chức cấp bộ hoặc cao hơn cấp bộ, 7.000 tội phạm trốn thoát ra nước ngoài bị bắt giữ, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Tào Kiến Minh. Trong số 200.000 trường hợp này, 148.931 người đã bị kết án có tội, tương đương 99% số trường hợp bị buộc tội và xét xử, theo đó tỷ lệ tòa án tuyên bố trắng án chỉ là 0,1 %.
Anh Kiệt (Thế giới & Hội nhập) (Anh Kiệt (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem