Sở GDĐT TP.HCM làm rõ: Có hay không việc "không kiểm tra miệng đầu giờ"?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 21/09/2023 19:42 PM (GMT+7)
Tại buổi họp báo định kỳ chiều 21/9, Chánh Văn phòng Sở GDĐT TP.HCM đã thông tin rõ về phát ngôn của Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Hiếu về yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt".
Bình luận 0
Sở GDĐT TP.HCM làm rõ: Có hay không việc "không kiểm tra miệng đầu giờ"? - Ảnh 1.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GDĐT TP.HCM tại họp báo. Ảnh: Thành Nhân

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, ngành giáo dục xác định kiểm tra đánh giá là khâu then chốt của đổi mới, là một trong những khâu quan trọng của quá trình dạy học. Đổi mới kiểm tra, đánh giá là một thay đổi mang tính chất căn bản, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, giáo viên và học sinh. Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện.

Trong đó, giáo viên cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là một quá trình, không chỉ là một hoạt động chấm điểm, xếp loại.

Học sinh cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là để đánh giá sự tiến bộ của bản thân, không phải để so sánh với bạn bè.

"Trong bài phát biểu của giám đốc, giám đốc nói giáo viên không được kiểm tra bài đầu giờ "đột xuất và bất chợt" chứ không phải không kiểm tra đầu giờ", ông Minh nói rõ.

Theo ông Minh, một số lý do khiến kiểm tra đột xuất, bất chợt không nên được sử dụng trong giáo dục vì không đảm bảo tính khách quan, tạo áp lực cho học sinh, không phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Vì thế, giáo viên cần tránh sử dụng kiểm tra đột xuất, bất chợt trong quá trình dạy học. Thay vào đó, giáo viên nên áp dụng các phương pháp kiểm tra khác để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với mục tiêu giáo dục và giúp học sinh phát triển các năng lực.

Ông nói thêm: "Giáo viên phải thay đổi tư duy để kiểm tra đánh giá học sinh rõ ràng, quá trình kiểm tra nhằm mục đích gì. Then chốt nhất, nếu kiểm tra tốt thì quá trình đổi mới giáo dục mới thành công. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra đánh giá học sinh".

Sở GDĐT TP.HCM làm rõ: Có hay không việc "không kiểm tra miệng đầu giờ"? - Ảnh 3.

Sở GDĐT yêu cầu giáo viên thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Ảnh: B.D

Việc kiểm tra, đánh giá cần tập trung vào các năng lực của học sinh như năng lực nhận thức (kiến thức, kỹ năng, thái độ); năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực sáng tạo.

"Có một số clip trên mạng xã hội, giáo viên cầm cục lô tô, xào qua xào lại hay cầm cây viết dò danh sách từ trên xuống để kiểm tra bài học sinh. Chúng tôi phản đối cách kiểm tra này vì tạo cho học sinh cảm giác lúc nào cũng lo sợ, áp lực không biết hôm nay mình có trả bài không", ông Minh nói.

Do vậy, kiểm tra đánh giá cần đa dạng về hình thức như vấn đáp, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành, dự án, năng lực giải quyết vấn đề. Cách thức đánh giá cần đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác. Sở sẽ tập huấn, hướng dẫn các giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem