Bộ GD-ĐT yêu cầu, giáo viên đánh giá học sinh tiểu học bằng việc chú trọng vào sự tiến bộ của các em.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đối với Thông tư 30, đánh giá học sinh bằng nhận xét, Bộ đã rút kinh nghiệm và tính toán phù hợp. Bộ đã khắc phục và sửa.
Do đó, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 (đánh giá học sinh bằng nhận xét) với hi vọng tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học.
Theo đó, giáo viên sẽ chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu giáo viên đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh dựa vào năng lực: tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; Phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương.”
Ngoài ra, giáo viên phải đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, kĩ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục.
Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời; Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
Bên cạnh đó, giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kĩ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời; Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân….
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu giáo viên sẽ đánh giá định kì về học tập vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.