Sở hữu 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, Sơn La đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Sở hữu 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, Sơn La đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 24/05/2022 09:41 AM (GMT+7)
Với hơn 82.800 ha diện tích cây ăn quả, sản lượng trên 450.000 tấn/năm, cùng với 543 cơ sở và 17 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn, Sơn La đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chiều 23/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội NDVN và UBND tỉnh Sơn La tổ chức tổ chức họp báo công bố thông tin về chuỗi sự kiện: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế – xã hội tại tỉnh Sơn La.
Trà lời câu hỏi của báo chí về thu hút đầu tư trong nông nghiệp và liên kết vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Tỉnh ủy Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong phát triển ngành nông nghiệp, trong đó, kiên trì thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với Sơn La.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 543 cơ sở và 17 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn. Trong đó, phải kể đến Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Nhà máy cà phê Phúc Sinh, Nhà máy cà phê Minh Tiến, Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH và Trung tâm chế biến rau quả Doveco.
"Với số lượng cơ sở, nhà máy chế biến nông sản lớn như hiện nay, cho thấy Sơn La đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp", ông Công nói.
Ông Công cho hay, để phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng cho các nhà máy chế biến của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, trong đó, quy định rất rõ phát triển vùng cây ăn quả của Sơn La.
Hiện, diện tích cây ăn quả của Sơn La hơn 82.800ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm, trong đó, xoài 19.900ha, nhãn 19.800ha...riêng sản phẩm xoài đưa vào chế biến của Doveco với sản lượng 15.000 tấn/năm.
Đối với dứa, Sơn La đã huy động, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển vùng nghiên liệu. Hiện nay, dứa của các huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Sông Mã đã phát triển và cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sơn La tiếp tục liên kết vùng với các huyện Tuần Giáo (Điện Biên), Mường Khương, Văn Bàn (Lào Cai) sẽ đảm bảo liên kết vùng, cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, với diện tích 80.000ha ngô ngọt sẽ đảm bảo đáp ứng đủ cho nhà máy chế biến ngô ngọt của Doveco. Cùng với đó là các loại rau, củ cũng được đảm bảo cung ứng đủ cho các cơ sở chế biến.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết, ngày 21/5, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ và xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 24 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong nước và 15 điểm cầu tại các nước: Trung Quốc, Úc, Singapore, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE…
Năm 2021, sản lượng nhãn của Sơn La đạt trên 107.390 tấn, mận 80.852 tấn (lớn nhất cả nước); xoài 63.732 tấn (đứng thứ 2 cả nước); cà phê nhân 29.180 tấn (đứng thứ 2 cả nước)...
Có 24 sản phẩm nông sản của Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, Hapro Mart; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee.
Đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.