Sở NNPTNT Hà Nội kỷ niệm 70 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2
Sở NNPTNT Hà Nội kỷ niệm 70 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2
Vũ Ly - Nghĩa Lê
Thứ bảy, ngày 30/11/2024 10:21 AM (GMT+7)
Tối 29/11, Sở NNPTNT Hà Nội khai mạc Festival Sản phẩm Nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sở NNPTNT Hà Nội và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất lần thứ 2.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT; Nguyễn Thị Tuyến, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Về phía lãnh đạo TP có các đồng chí: Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo UBND TP; đại diện lãnh đạo các Ban thuộc Thành ủy, HĐND TP; các sở, ngành TP Hà Nội; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã…
Các đơn vị tham gia trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm và đông đảo nhân dân đến tham quan.
70 năm nâng tầm giá trị và vị thế của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội...
Chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Sở NNPTNT tiền thân là Sở Canh nông Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 10 -CN/ND ngày 30/11/1954 của Bộ Canh nông.
Phát biểu chào mừng Festival, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Nội Phùng Đức Tiến đánh giá: "Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã trải qua 70 năm phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của nông nghiệp Việt Nam. Từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp, Hà Nội đã trở thành địa phương tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, với hơn 400 vùng chuyên canh và 159 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, trên 2.700 sản phẩm OCOP trong tổng số 13.925 sản phẩm OCOP của cả nước".
"Đưa nông nghiệp Hà Nội đạt trên 59.000 tỷ đồng vào năm 2023, gấp 8 lần so với năm 2008, đứng top đầu so với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thành phố còn phát triển du lịch nông thôn, gắn kết văn hóa làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, xuất khẩu sản phẩm đến hơn 40 quốc gia. Các chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo khang trang, hiện đại, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn giá trị văn hóa", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Hà Nội đang tiến gần mục tiêu hoàn thành thành phố nông thôn mới khi 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện Thanh Trì đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Trong bối cảnh phát triển mới, ngành NNPTNT đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới, đặc biệt là yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành NNPTNT thành phố cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, đa giá trị, theo hướng sinh thái, bền vững. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới văn minh, trở thành "nơi đáng sống", hiện đại gắn với phát triển đô thị; phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn".
Ngành NNPTNT Thủ đô cần phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch; bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân...
Ngành cũng cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái. Nâng cao năng lực hoat động của hệ thống đê điều, thủy lợi; tiếp tục đầu tư có hiệu quả việc cải tạo, nâng cấp các công trình thuỷ lợi để khơi thông dòng chảy các dòng sông trên địa bàn TP đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống thiên tai vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố".
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Sở NNPTNT Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, đã diễn ra các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn nhằm ca ngợi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ca ngợi Thủ đô, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước; tái hiện các hoạt động có chiều sâu lịch sử, văn hóa, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; truyền thống xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Đêm khai mạc cũng sẽ có những thước phim về chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành nông nghiệp và PTNT Thủ đô qua phóng sự: Ngành nông nghiệp Hà Nội: 70 năm vinh quang vững bước tương lai.
Bên cạnh đó, Festival còn có rất nhiều hoạt động khác như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với trình diễn áo dài, tái hiện các hoạt động gắn liền với đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần của các làng quê Hà Nội; hoạt động trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; trình diễn ẩm thực Việt và tinh hoa trà Việt; các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm sẽ diễn ra liên tục trong suốt 5 ngày diễn ra Festival.
Ngoài ra, còn có Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội, công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm 2025.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Trưng bày, giới thiệu thông tin về nông sản thực phẩm lợi thế của các tỉnh, thành phố có nhu cầu liên kết, đưa vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại sự kiện, các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024 và tham quan khu trưng bày sản phẩm. Festival lần này là dịp để Hà Nội quảng bá nét văn hóa thông qua các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế; tôn vinh các nghề, làng nghề, nghệ nhân và người nông dân; là cầu nối giữa sản xuất và thương mại, giữa nông nghiệp và du lịch, giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố để cùng liên kết hợp tác vì sự phát triển chung của đất nước, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Festival có quy mô khoảng 15.000 m2, chia thành các khu vực: Khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề tiêu biểu, đặc trưng của các quận, huyện, thị xã; Khu ngành hàng sản phẩm nông sản và làng nghề; Khu trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; giới thiệu các điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội;
Khu thưởng lãm tinh hoa trà Việt; Khu Sinh vật cảnh; Khu trình diễn nghệ thuật và giới thiệu ẩm thực Việt; Khu trưng bày, giới thiệu, chế tác sản phẩm quà tặng, lưu niệm; Khu nông nghiệp công nghệ cao; máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và làng nghề; Khu gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã.
Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 3/12. Chương trình đã thu hút 260 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, trong đó có 152 đơn vị của 25 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 116 đơn vị của 25 tỉnh, thành phố bạn và 32 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.