Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh phản hồi, báo cáo về vụ nông dân được chia 12 triệu đồng tiền tem truy xuất
Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh phản hồi, báo cáo về vụ nông dân được chia 12 triệu đồng tiền tem truy xuất
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 06/05/2022 10:42 AM (GMT+7)
Liên quan tới vụ nhận tem truy xuất thông minh kèm 12 triệu tiền mặt tại xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh về những nội dung mà Báo điện tử Dân Việt/Trang trại Việt đã có loạt bài phản ánh.
Sau khi Báo điện tử Dân Việt và chuyên trang Trang trại Việt đăng tải loạt 2 bài phản ánh về tình trạng nông dân được "chia chác" tiền khi nhận tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo Sở NNPTNT, UBND huyện Gia Bình cùng vào cuộc làm rõ nội dung mà báo phản ánh.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh thông tin, đến nay có 11 hộ được hỗ trợ đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. "Trường hợp nào không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, UBND xã chịu trách nhiệm lập biên bản, thu hồi tem và tiền nộp trả lại ngân sách theo đúng quy định" – ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đề xuất.
12 triệu đồng là tiền... khuyến mãi của công ty?
Trước đó, ông Nguyễn Thế Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life đã đến tòa soạn Báo để cung cấp và làm rõ một số thông tin liên quan đến vụ việc nhận tem truy xuất thông minh, người dân được nhận kèm 12 triệu tiền mặt.
Trả lời câu hỏi về việc, ai giới thiệu Công ty Smart Life đến Bắc Ninh cung cấp tem?, ông Tiệp cho biết, qua tìm hiểu thông tin đại chúng, chúng tôi biết tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các tố chức cá nhân sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho việc bán hàng thuận lợi và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Sau đó, chúng tôi đã liên hệ với Phòng NNPTNT huyện Gia Bình và trực tiếp tư vấn và ký hợp đồng với 37 hộ dân nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương (tháng 11/2021) giá trị hợp đồng với mỗi hộ là 50 triệu đồng, trong đó có việc in 12.500 chiếc tem và cung cấp phần mềm duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các hộ tối đa là 2 năm kể từ khi bàn giao tem. Việc thanh toán giữa các bên được thống nhất và nêu trong hợp đồng sẽ thanh toán ngay sau khi bàn giao, nghiệm thu hàng hóa.
Căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng của các bên, tháng 12/2021, Phòng NNPTNT huyện Gia Bình tổ chức nghiệm thu cho các hộ trong đó 36 hộ đủ điều kiện nhận hỗ trợ, 1 hộ không đủ điều kiện. Trên cơ sở biên bản nghiệm thu của phòng NN&PTNT, hồ sơ thanh thanh toán và đề nghị hỗ trợ của các các hộ, UBND xã Bình Dương đã thanh toán trực tiếp cho các hộ, mỗi hộ 50 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của hộ.
Tính đến hết ngày 25/1/2022 đã thanh toán cho 36 hộ mỗi hỗ được nhận 50 triệu đồng tổng giá trị giải ngân là 1,8 tỷ đồng. Việc thanh toán của các hộ đối với đơn vị tư vấn, tính đến nay 25/4/2022 đã có 34 hộ thanh toán cho đơn vị tư vấn còn 2 hộ chưa thanh toán.
Nói về khoản tiền 12 triệu đồng tiềm mặt người dân được nhận, ông Tiệp thông tin: "Chúng tôi không có quan điểm chia chác và tôi khẳng định giữa chúng tôi và các hộ dân không có thỏa thuận chia chác". Theo ông Tiệp, trong quá trình triển khai, công ty thấy hầu hết các hộ không có máy tính; điện thoại thông minh cũng không có hoặc có thì cấu hình thấp, chưa phù hợp với việc nhập, tạo dữ liệu cho cơ sở trên hệ thống và áp dụng trong suốt quá trình triển khai.
Vì thế, Khoản tiền 12 triệu đồng này là số tiền doanh nghiệp "tự nguyện" hỗ trợ người dân, được trích từ lợi nhuận hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và tiền để phục vụ quảng bá truyền thông. Tuy nhiên, khi được PV hỏi, vì sao có những hộ thanh toán tiền cho công ty, thì được công ty khấu trừ đi 12 triệu đồng, chỉ lấy 38 triệu đồng, thì khác nào ở đây có sự "chia chác" tiền ngân sách nhà nước?
Về vấn đề này, ông Tiệp chỉ trả lời vòng vo và không trả lời được thẳng vào bản chất câu hỏi.
Người dân không sử dụng: Đề xuất thu hồi tem và tiền nộp lại ngân sách
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong số 37 hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Bình Dương, hộ có diện tích ao nuôi lớn nhất là 16.000m2, nhỏ nhất là 2.000 m2. Một năm các hộ nuôi cho sản lượng lớn nhất là 25 tấn, nhỏ nhất là 4 tấn cá trắm cỏ, trôi, chép.
Thế nhưng, khi Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life ký kết hợp đồng với các hộ dân thì đều để ở mức 50 triệu đồng – mức hỗ trợ cao nhất theo Nghị quyết 147/2018 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khi phóng viên Dân Việt đặt vấn đề: "Dựa trên định mức nào công ty lại đưa mức hợp đồng chung cho tất cả 50 triệu đồng/hộ trong khi có hộ ít cá, có hộ nhiều cá?" – ông Nguyễn Thế Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life trả lời: "Cái đấy thì tôi không rõ, vì tôi chỉ biết người ta có một gói như thế, người ta có nhu cầu thì tôi cho vào.
Với gói tiền như thế, chúng tôi có dự toán, tem là bao nhiêu con, rồi phần mềm, tập huấn đào tạo, số hóa dữ liệu…, tất tần tật cho một hộ với gói tiền như thế. Các hộ nuôi như thế nào, quy mô như thế nào, sản lượng bao nhiêu đơn vị cũng không nắm được. Bởi có hộ diện tích ao lớn nhưng người ta nuôi mật độ không nhiều hoặc các hộ ao nhỏ, nhưng người ta quay vòng lứa nhiều thì đơn vị không nắm được".
Nói về tem truy xuất thông minh nhưng khi truy cập vào lại không có thông tin, ông Tiệp cho rằng, tem truy xuất nguồn gốc có 2 dạng dữ liệu: dữ liệu tĩnh và dữ liệu động. Dữ liệu tĩnh là toàn bộ thông tin liên quan đến cơ sở sản xuất đó, thông tin pháp lý, thông tin về tư liệu sản xuất, đối tượng sản xuất như cá trắm, chép, đặc tính và những câu chuyện về sản phẩm đó. Còn thông tin động là thông tin toàn bộ quá trình sản xuất, nhật ký sản xuất như hôm nay cho ăn cái gì, mai vệ sinh ao chuồng như thế nào…
"Thông tin động được xây dựng trong toàn bộ quá trình nuôi con cá, nếu như hộ có thể đăng nhập vào hệ thống để nhập lên hàng ngày, hoặc mở sổ ghi chép vào, đến lúc thu hoạch thì hộ sẽ đăng nhập hệ thống để cập nhật nhật ký đó lên. Soi vào tem không ra cái gì cũng rất bình thường, chứ không phải do kỹ thuật. Tuy nhiên ở đây chúng tôi hỗ trợ cơ sở sản xuất nhập, số hóa một số dữ liệu cơ bản để thuận tiện cho bà con trong quá trình sử dụng tem sau này" – ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, công ty đã giúp người dân nhập một số thông tin, còn bản thân các hộ phải trực tiếp nhập dữ liệu lên hệ thống tem truy xuất thông minh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, do tác động của giá thức ăn cho cá tăng cao, nhiều hộ dân đã giảm mức cho ăn, thậm chí thả cá tự nhiên, không cho ăn nên có hộ từ tháng 10/2021 đến nay dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng gần như không có ghi chép thông tin gì. Vậy, sau này việc cập nhật thông tin trên tem thông minh sẽ như thế nào?
Hơn nữa, theo hợp đồng ký với Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life, thời gian sử dụng và bảo quản tem trong vòng 1 năm kể từ ngày bàn giao. Với hộ có sản lượng cá vào khoảng 4 tấn/năm, liệu người dân có sử dụng hết 12.500 tem truy xuất thông minh mà phía công ty cung cấp hay không?
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh thông tin, đến nay có 11 hộ được hỗ trợ đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Các hộ khác dự kiến sẽ sử dụng vào vụ thu hoạch tiếp theo, nguyên nhân do thời vụ thu hoạch của thủy sản theo lứa.
Về đề xuất kiến nghị, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND huyện Gia Bình tiếp tục chỉ đạo UBND xã Bình Dương rà soát các hộ dân nhận hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, giám sát việc sử dụng số tem truy xuất chưa sử dụng, trường hợp nào không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, UBND xã chịu trách nhiệm lập biên bản, thu hồi tem và tiền nộp trả lại ngân sách theo đúng quy định.
Cùng với đó, UBND huyện Gia Bình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến người dân theo nhiều phương pháp (tổ chức tập huấn, tuyên truyền trên các thông tin đại chúng,…) đề người dân hiểu rõ các chính sách của nhà nước trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.