Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên "mừng đến phát khóc"
Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên mừng phát khóc
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 03/11/2023 15:35 PM (GMT+7)
Sở Nội vụ Hà Nội vừa cho biết, dự kiến sẽ báo cáo UBND TP tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ.
Sở Nội vụ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, vẫn xét hồ sơ 9 năm có bằng đại học
Ngày 3/11, Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập.
Tại đây, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ báo cáo UBND thành phố tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, báo cáo số liệu từ 33 cơ quan, đơn vị, xét chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2023 có 32.167 hồ sơ đăng ký thăng hạng từ hạng III lên hạng II. Trong đó, giáo viên mầm non là 20.392 người, giáo viên tiểu học là 5.716 người, giáo viên THCS là 2.790 người, giáo viên THPT là 3.269 người.
Giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Trước đó, 4.403 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội kiến nghị về hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II với 2 nội dung chính là chuyển hình thức thi thành xét tuyển và vẫn xét giáo viên chưa đủ 9 năm có bằng đại học nhưng có nhiều năm kinh nghiệm.
Như vậy, theo công văn này, Sở Nội vụ đã thay đổi quyết định thi tuyển như trước đây chuyển thành xét tuyển đối với những hồ sơ đã nộp, đúng tâm nguyện và kiến nghị của giáo viên thủ đô. Tuy nhiên, việc giáo viên chưa đủ 9 năm có đại học vẫn chưa được chấp thuận do còn vướng mắc Thông tư 08.
Cũng theo chỉ đạo của Sở Nội vụ Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị đề xuất thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II chưa đảm bảo cơ cấu, chưa đúng đối tượng và điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng. Cá biệt có đơn vị xây dựng cơ cấu chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II là 100%. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, cào bằng trong việc đánh giá, thiết lập hồ sơ, tài liệu đề xác định tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp, từ đó có tình trạng đơn vị cấp dưới đùn đẩy hồ sơ, danh sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên cấp trên để né tránh trách nhiệm giải quyết.
Điều kiện xét thăng hạng giáo viên năm 2023: Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí phải có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan. Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, minh chứng là bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện nghiêm túc, Sở Nội vụ đề nghị rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập khách quan, công bằng và đúng đối tượng. Rà soát người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thăng hạng viên chức giáo viên đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật; đảm bảo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp của đơn vị và yêu cầu của vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Không đề xuất tràn lan, không đúng đối tượng dự thăng hạng lên hạng II, đảm bảo theo đúng yêu cầu tại Điều 31 Luật viên chức: "Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật".
Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên mừng phát khóc
Đón nhận thông tin trên, nhiều giáo viên cho biết rất vui và phấn khởi. Có giáo viên cho biết "Mừng đến phát khóc".
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về quyết định trên, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cũng là người đại diện cho hơn 4.000 giáo viên gửi đơn kiến nghị tới Sở Nội vụ và Sở GDĐT Hà Nội suốt thời gian qua, cho hay: "Sau khi đọc công văn tôi như muốn khóc, cảm ơn lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở GDĐT và các ban ngành có liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà giáo. Thông tin đến đúng dịp chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam nên càng thêm ý nghĩa. Chúng tôi sẽ tận tâm cống hiến hơn nữa để xứng đáng với thứ hạng mới".
"Tôi rất vui khi đón nhận thông tin này. Với những giáo viên nhiều tuổi như tôi đã gần 30 năm trong nghề thì việc thi thăng hạng với những giáo viên trẻ là hết sức thiệt thòi. Hy vọng những giáo viên có thâm niên trong nghề, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục như tôi sẽ được xét thăng hạng vào dịp này", một giáo viên thổ lộ.
Cô Ngô Thị Hường, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ: "Ngay khi có thông tin, tôi đã vội đọc và nghiên cứu ngay. Cảm xúc của tôi vừa hồi hộp, vừa mừng vừa lo. Tôi đọc hết từng câu chữ nhưng vẫn chưa rõ việc có chấp nhận hồ sơ của giáo viên chưa đủ bằng đại học 9 năm hay không. Nếu được xét thì thỏa tâm nguyện của giáo viên bởi vì chúng tôi có nhiều năm cống hiến, tuy nhiên chỉ thiếu năm có bằng đại học".
Thời gian xét thăng hạng giáo viên là bao lâu?
Sở Nội vụ Hà Nội thông báo tiến độ thực hiện xét thăng hạng giáo viên:
- Trước 17h ngày 15/11: Các cơ quan, đơn vị triển khai rà soát thẩm định danh sách giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng.
- Từ ngày 16-30/11: Sở Nội vụ thẩm định danh sách, xây dựng Đề án báo cáo UBND thành phố phê duyệt, trình Bộ Nội vụ thẩm định và cho ý kiến.
- Từ ngày 1-3/12: Tiếp nhận hồ sơ đối với giáo viên đủ điều kiện.
- Từ ngày 3-20/12: Sở Nội vụ thành lập Hội đồng, tổ giúp việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ.
- Từ ngày 20-25/12: Phê duyệt kế quả xét thăng hạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.