SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con kỹ thuật trồng bưởi Diễn đơn giản đạt hiệu quả kinh tế cao

Thùy Trang - Phan Hương - Thu Hường - Hạ Vũ Thứ ba, ngày 09/05/2023 10:28 AM (GMT+7)
Bưởi Diễn là loại cây dễ trồng, đem lại nguồn kinh tế cho bà con nông dân. Tuy nhiên để trồng bưởi đạt hiệu quả cao, bà con cần áp dụng kỹ thuật trồng một cách khoa học. Trong số này, Sổ tay Nhà nông sẽ mách bà con kỹ thuật trồng bưởi Diễn hiệu quả.
Bình luận 0

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật trồng bưởi Diễn đơn giản đạt hiệu quả cao

Theo thông tài liệu lưu trữ trong Trung tâm cây giống Học Viện Nông nghiệp và Viện Ngiên cứu Rau, Hoa, Quả ( Học Viện Nông Nghiệp), bưởi Diễn có nguồn gốc từ giống bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ. Sau đó được đem giống về trồng ở làng Diễn, nay thuộc các phường Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đặc điểm cây bưởi Diễn:

Là loài cây ăn quả lâu năm, thuộc nhóm cây có múi, thân gỗ, khá dễ trồng thích hợp nhất trên loại đất thịt. Cây khi trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch sẽ có chiều cao trên 2 mét, bề rộng tán cũng vậy. Cây bưởi Diễn ra quả 1 năm 1 lần, thường ra hoa vào tháng hai, quả chín đúng vào dịp tết. Khi bước vào thời kỳ chính thức cho thu (thường là năm thứ 5) một cây có thể cho 80 trái.

Về quả bưởi Diễn, khác biệt với các loại quả bưởi khác, nó có kích thước nhỏ, đường kính chừng 15 cm, trọng lượng 0,8 – 1 kg. Phần cùi và vỏ của đặc sản này rất mỏng người bổ phải rất khéo nếu không muốn cắt vào ruột. Múi bưởi có tôm vàng óng, hạt bên trong se nhỏ, khi ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà, khi ăn xong rồi còn lưu mãi ở đầu lưỡi.

Bưởi Diễn là loại quả có múi, vỏ bưởi khi chín có màu vàng. Có 2 loại tôm xanh và tôm vàng, vị ngọt thơm, mọng nước, tôm ráo, khi bóc ra sờ không ướt tay. Bưởi Diễn trồng càng lâu năm thì quả càng nhỏ, ăn càng ngọt. Mỗi năm chỉ có một mùa bưởi Diễn, chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Bưởi Diễn là món quà của người dân xứ Canh Diễn xưa dâng lên Vua chúa, vì vậy mà nó còn được đặt tên là Bưởi Diễn Tiến Vua.

Giá trị kinh tế của bưởi Diễn:

Bưởi là một trong những loại cây có múi có giá trị kinh tế cao, nhưng không đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy nhiên, để cây bưởi cho quả chất lượng cao, năng suất ổn định không phải là điều đơn giản. Tuần này, Sổ tay Nhà nông sẽ mách bà con những bí kíp để trồng bưởi Diễn đơn giản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con kỹ thuật trồng bưởi Diễn đơn giản, hiệu quả kinh tế cao.

1. Cách trồng bưởi Diễn

Trước khi trồng bưởi Diễn bà con cần chú ý những yêu cầu sau:

+ Nên chọn những cây bưởi giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh tình trạng mua phải những cây bưởi diễn kém chất lượng khi thu hoạch chất lượng quả sẽ kém và đậu được ít quả.

+ Đất trồng: Đất cần có kết cấu xốp, giữ mùn, giữ màu và giữ các chất dinh dưỡng tốt, có khả năng thoát nước. Độ pH từ 5,5 đến 6,5 là thích hợp nhất. Tránh trồng cây bưởi Diễn ở những vùng đất trống có nhiều gió vì sẽ làm hoa bưởi rụng nhiều, tỷ lệ đậu quả giảm. Đối với những vườn riêng lẻ ngoài cánh đồng trống thì nên trồng xen các loại cây cản gió tốt.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con kỹ thuật trồng bưởi diễn đơn giản, hiệu quả - Ảnh 2.

- Mật độ khoảng cách giữa các cây: Tùy vào đất từng vùng là đất xấu hay đất tốt, thích hợp hay không thích hợp cho cây bưởi diễn mà ta có mật độ khoảng cách trồng khác nhau.

+ Nếu đất tốt điều kiện thâm canh cao bạn có thể trồng dày. Khoảng cách giữa các cây là 3x3.5m, mật độ khoảng 35 cây/sào bắc bộ. 

+ Nếu đất xấu : ta nên trồng thưa hơn. Khoảng cách giữa các cây là 5x6m, mật độ khoảng 14 cây/sào Bắc bộ.

– Làm đất, đào hố: Cày bừa kĩ, làm sạch cỏ, lên luống cách nhau 4.5 – 5m, rãnh rộng và sâu 30cm. 

+ Đối với đất tốt: Đào hố có kích thước 60x60x50cm

+ Đối với đất xấu: Đào hố có kích thước lớn hơn: 80x80x60cm

+ Nơi đất thấp thì phải đắp ụ cao từ 50 - 60cm và có đường kính rộng 1m.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con kỹ thuật trồng bưởi diễn đơn giản, hiệu quả - Ảnh 3.

– Phân bón lót: để cho cây bưởi giống mới trồng phát triển bộ rễ và có đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, chúng ta cần chú ý khâu bón lót trước khi trồng.

2. Quy trình trồng bưởi Diễn

– Dùng cuốc moi hố đã bón phân lót được để từ 20 – 30 ngày, đất giữa hố phải lớn hơn bầu cây, cắt dây buộc bầu rồi sau đó đặt cây nhẹ nhàng xuống hố tránh làm vỡ bầu đất.

– Để cây ở tư thế thẳng đứng sao cho mặt bầu cao bằng mặt ụ rồi sau đó lấp đất nén chặt xung quanh tán cây.

Chú ý: Không nén chặt quá và không nén ở phần gốc cây tránh làm đứt rễ.

– Lấy 3 cái cọc cắm chéo nhau để trống cho cây không bị xiêu vẹo khi có gió to hoặc có con vật nào chạy qua. Dùng mùn rác, cỏ khô phủ kín gốc giúp giữ độ ẩm cho đất.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con kỹ thuật trồng bưởi diễn đơn giản, hiệu quả - Ảnh 4.

Quy trình trồng bưởi Diễn.

– Sau khi trồng xong, tưới thật đẫm 1 lần. Các ngày sau mỗi ngày tưới 2 lần vào khoảng 9h sáng và 5h chiều mát.

Chú ý: Không tưới vào sáng sớm khi trời vẫn còn sương và giữa trưa khi trời nắng ngắt. Có thể tùy vào thời tiết mà tưới lượng nước phù hợp giúp rễ và lá phát triển tốt nhất.

– Quan sát quá trình phát triển của cây, khi phát hiện có hiện tượng cây bị sâu bệnh kịp thời có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Trên đây là những cách trồng bưởi Diễn đúng kỹ thuật, đảm bảo giúp cây sinh trưởng mạnh ngay trong những năm tháng đầu tiên. Người nông dân cần nắm vững từng thời điểm bón phân, quan sát cây thường xuyên để phòng ngừa sâu và ngăn chặn bệnh hại kịp thời.

Với những thông tin trên, chương trình Sổ tay Nhà nông mong rằng có thể giúp bà con trồng bưởi hiểu rõ và có những biện pháp hợp lý để cải thiện hiệu quả trong vườn bưởi của mình.

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem