SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho sản lượng cao

Bích Ngọc - Phan Hương - Thu Hường Thứ năm, ngày 27/04/2023 10:01 AM (GMT+7)
Nấm sò là một trong những loại nấm tươi được ưa chuộng ở Việt Nam nhờ giá thành phải chăng và giàu dinh dưỡng. Chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này sẽ cùng bà con tìm hiểu những kỹ thuật trồng nấm sò giúp đạt sản lượng cao cho mùa vụ.
Bình luận 0

Sổ tay Nhà nông: Kỹ thuật trồng nấm sò đạt sản lượng cao

Sổ tay Nhà nông: Kỹ thuật trồng nấm sò đạt sản lượng cao

1. Xử lý nguyên liệu

Để có được nấm, người nông dân có thể mua sẵn bịch phôi nấm hoặc tự làm tại nhà. Nguyên liệu phổ biến nhất để làm phôi là rơm rạ, bông phế thải, mùn cưa … Đống ủ có kệ lót cách mặt đất 20cm, có cọc thông khí ở giữa, xung quanh quây nilon, để hở phía trên, có mái che cao trên nóc để tránh mưa. 

Người dân có thể trồng nấm sò dùng túi nilon (polyethylen PE) kích thước 30 x 40 cm (vào mùa hè), 35 x 50 cm (vào mùa đông)với túi được gấp đáy vuông.

Nhồi nguyên liệu vào túi; lớp dưới cùng cao 3-4cm cấy một lớp giống xung quanh thành túi; các lớp sau cao 6-7cm, tiếp tục cấy giống xung quanh thành túi trên mỗi lớp cho đến khi đủ 4 lớp. Lớp trên cùng rắc giống đều trên toàn bộ bề mặt, mỗi bịch cấy 40-50 gam giống nấm.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho sản lượng cao - Ảnh 2.

Xử lý nguyên liệu

Dùng bông sạch cuộn thành nút bằng miệng chén uống nước để nút túi, sau đó buộc miệng bằng chun nịt.

Trọng lượng túi nặng 2,2 kg - 2,4 kg (mùa hè); 2,5 - 2,8 kg (mùa đông).

Lượng giống cấy: 40 - 45 kg giống cho một tấn nguyên liệu rơm rạ khô. Một tấn nguyên liệu đóng được 950 - 1000 bịch nấm (mùa hè); 800 - 850 bịch (mùa đông).

2. Ươm bịch, nuôi sợi, rạch bịch

Sau khi cấy giống xong cần chuyển ngay các bịch vào nhà ươm sợi. Xếp các bịch nấm cách nhau 3 - 5 cm, có thể làm giàn giá để tận dụng diện tích. Nếu trời quá lạnh (nhiệt độ < 15°C ) cần che chắn nilon xung quanh hoặc đóng kín cửa để giữ ẩm, ấm. Thời gian ươm bịch nuôi sợi từ 20 - 30 ngày tùy theo mùa.

Khi bà con thấy sợi nấm ăn kín từ trên xuống đáy và bịch nấm có màu trắng đồng nhất thì rạch bịch đưa ra treo.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho sản lượng cao - Ảnh 3.

Ươm bịch, nuôi sợi, rạch bịch.

Cách rạch bịch nấm sò: Bỏ nút bông, nén nhẹ bịch nấm rồi buộc lại bằng dây chun. Tiến hành rạch từ 6 - 8 vết rạch quanh túi, rạch so le nhau chia đều quanh bịch, vết rạch dài 3 - 4cm, sâu 0,2 - 0,3 cm. Rạch theo chiều dọc hoặc chéo. Sau đó xếp bịch trên sàn, trên giàn giá hoặc treo bịch để tiết kiệm diện tích. Bịch nọ cách bịch kia 15cm để có không gian cho nấm mọc.

 3. Cách chăm sóc nấm

Hàng ngày tưới ẩm nền và xung quanh. Sau 4 - 6 ngày, mầm xuất hiện ở vết rạch. Lúc đó ta tưới phun sương trực tiếp vào bịch nấm, giữ ẩm đều, mỗi ngày tưới 2 - 3 lần. Lượng nước tưới và số lần tưới điều chỉnh cho phù hợp để lúc nào cũng có một lớp nước ẩm trên mũ nấm.

Nếu trồng ít phôi nấm quá, người nông dân không cần chăm sóc nhiều mà chỉ cần tưới nước là có nấm ăn. Mỗi ngày sẽ tưới 1-2 lần khi trời mát hay khi có mưa, tưới 4-5 lần khi trời nóng và nóng dài ngày. Không tưới trực tiếp vào khu vực dễ lọt nước vô cổ phôi, chỉ tưới từ trên xuống, tưới xéo xuống, tưới chung quanh môi trường.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho sản lượng cao - Ảnh 4.

Cách chăm sóc nấm

Khi trồng nấm hay chăm sóc nấm đều cần phải lưu ý đến vấn đề môi trường như nhiệt độ mát mẻ (dưới 30 độ C), độ ẩm cao (85-95%) và ánh sáng tự nhiên cũng như các điều kiện nước tưới đầy đủ (độ sạch, độ pH trung tính) để tránh cho nấm ra bị khô, xoăn, dẫn đến hỏng. Nếu chăm sóc tốt và đảm bảo đáp ứng các điều kiện thuận lợi thì trung bình từ 15 ngày, nấm sẽ ra 1 lần.

Trồng nấm sò người nông dân cần chú ý đến kỹ thuật trồng, cách chăm sóc nấm sò để đạt hiệu quả nhất. Các hộ nông thôn nên áp dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật để vụ nấm cho năng suất cao, ít sâu bệnh.

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem