Sốc: Apple, Qualcomm lại sắp lên “dàn hỏa” cùng một lúc
Sốc: Apple, Qualcomm lại sắp lên “dàn hỏa” cùng một lúc
Huỳnh Dũng
Chủ nhật, ngày 11/04/2021 15:01 PM (GMT+7)
Apple và Qualcomm đã dính phải một vụ kiện cáo buộc rằng, một số công nghệ 5G nhất định mà cả hai công ty sử dụng đều vi phạm bằng sáng chế hiệu chuẩn RF.
Theo đó, công ty cấp phép bằng sáng chế tên là Red Rock đã đệ trình đơn kiện lên Tòa án Quận phía Tây của Texas tập trung vào một số bộ thu phát không dây 5G của Qualcomm. Họ cho rằng, Apple và Qualcomm đã vi phạm bằng sáng chế hiệu chuẩn bộ thu phát không dây có mã số 7.346.313.
Apple, Qualcomm dính kiện tụng
Bằng sáng chế này đã phác thảo một hệ thống để hiệu chỉnh sự cân bằng của tín hiệu trong pha (I) và (Q) trong bộ thu phát vô tuyến. Công nghệ này được cho là có trên cả dàn chủ chốt iPhone 12 và iPhone 12 Pro qua modem 5G của Qualcomm. Vụ kiện liệt kê các bộ thu phát SMR526, SDR865 và SDX55M của Qualcomm là sản phẩm vi phạm bằng sáng chế của Red Rock.
Theo đơn kiện, cả Apple và Qualcomm đều đã biết trước về bằng sáng chế '7.346.313" nhưng vẫn cố tình vi phạm. Trong trường hợp của Qualcomm, Red Rock cáo buộc rằng, công ty đã nhận được thông báo về sự tồn tại của bằng sáng chế ít nhất ba lần từ năm 2008 đến năm 2011 nhưng phía Qualcomm vẫn cố tình vi phạm.
Vì iPhone 12 và Pro sử dụng băng tần 5G của Qualcomm, chúng cũng tích hợp các công nghệ thu phát bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế này, dẫn đến việc Apple cũng bị liệt vào danh sách bị đơn. Do đó, bên nguyên đơn nói rằng, các hành động do Apple và Qualcomm thực hiện "đã và đang tiếp tục được thực hiện một cách cố ý, nghiêm trọng và cấu thành hành vi cố ý xâm phạm" quyền sở hữu trí tuệ.
Đơn khiếu nại yêu cầu tổ chức một phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn và một danh sách dài những yêu cầu bồi thường thỏa đáng, bao gồm các lệnh cấm Apple và Qualcomm vi phạm bằng sáng chế 7.346.313 và phải hoàn thành đầy đủ các khoản thanh toán tiền bản quyền. Nếu tòa đồng ý với Red Rock và nói rằng hành động của bị đơn là cố ý, thì số tiền thiệt hại được đánh giá đối với cả hai công ty trên có thể tăng gấp ba lần. Tuy nhiên, người dùng iPhone 12 hoàn toàn không có gì phải lo sợ. Trường hợp xấu hơn, Apple và Qualcomm sẽ phải trả phí vi phạm bằng sáng chế và một số khoản phí khác.
Trở lại với câu chuyện kiện tụng bởi vi phạm bản quyền, trong quá khứ Apple đã phải trả hàng tỷ USD trong nhiều vụ kiện xâm phạm bản quyền. Là một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới, Apple không ít lần bị vướng vào các vụ kiện bản quyền, bằng sáng chế, có những vụ kiện kéo dài cả thập kỷ.
Để có được chỗ đứng vững chắc trong giới công nghệ và có quy mô toàn thế giới như hiện tại, Apple đã liên tục tung ra sản phẩm mới và điều đó vô tình khiến Táo khuyết trở thành mục tiêu tấn công của nhiều đối thủ.
Vụ đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến pháp lý giữa Apple và VirnetX liên quan đến an ninh truyền dữ liệu trong các thiết bị như iPhone, iPad và iPod Touch. VirnetX bắt đầu kiện Apple từ năm 2012, cáo buộc hãng này vi phạm 4 bằng sáng chế. Trong đơn kiện năm 2012, VirnetX cho rằng chức năng VPN On Demand của Apple sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của VirnetX. Phía Apple phản bác tính hiệu lực của bằng sáng chế của VirnetX.
Năm 2012, tòa sơ thẩm phán quyết Apple phải bồi thường cho VirnetX 368,2 triệu USD. Tuy nhiên, phán quyết sơ thẩm đã bị tòa án liên bang Mỹ bác bỏ vì lý do số tiền bồi thường chưa hợp lý, cần tính toán lại. Tháng 2/2016, số tiền bồi thường đã được tăng lên 625,6 triệu USD – mức đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, con số này một lần nữa không được tòa án liên bang chấp nhận. Trong phiên xét xử tháng 10/2016, tòa đã phán quyết mức phạt là 302,4 triệu USD.
Và vào ngày 30/10/2020 một bồi thẩm đoàn ở Texas (Mỹ) ra phán quyết hãng Apple phải trả 503 triệu USD vì vi phạm bản quyền công nghệ mạng riêng ảo (VPN) của công ty an ninh phần mềm VirnetX trụ sở tại Nevada.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.