"Tội ác rừng xanh" là phim đoạt giải cao nhất Liên hoan phim môi trường toàn quốc, lần thứ IV do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Phương, đạo diễn phim “Tội ác rừng xanh” - một nhà làm phim tay ngang đến từ Bình Thuận.
- Bộ phim “Tội ác rừng xanh” do chính ông tự quay, dựng, biên tập?
|
Ông Nguyễn Thái Lai (trái), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường trao giải Việt Nam xanh, giải thưởng cao nhất cho ông Lê Hoài Phương, tác giả phim “Tội ác rừng xanh”. |
Đúng vậy, để làm bộ phim này một cách chân thực, sống động và thực sực gây “sốc” cho công chúng, tôi đã phải mất ba năm lặn lội đi rừng với nhóm thợ săn khỉ ở nhiều cánh rừng Bình Thuận. Rất nhiều chuyến đi, nhưng chỉ có hai chuyến là cánh thợ săn bẫy, bắt được khỉ. Những cảnh quay trong phim “Tội ác rừng xanh” chắt lọc từ những đoạn phim quay được trong hai chuyến đi ấy.
-Nhiều người băn khoăn, không biết làm thế nào để toán thợ săn đồng ý cho ông “nhập cuộc” và tự do quay những cảnh “tội ác” đó?
Chuyện này cho phép tôi không nói ra nhưng tóm lại, tôi mất một thời gian dài tiếp cận, làm quen, kể cả nhậu với những thợ săn thú rừng. Tôi cũng đảm bảo rằng, tôi chỉ phản ánh thực tế, không khiến họ phải vướng vào vòng “lao lý” vì tội săn bắt động vật hoang dã, cụ thể là săn bắt khỉ. Trong phim, góc máy quay chỉ cận cảnh việc bẫy, bắt trói, nhổ răng khỉ chứ không cận cảnh gương mặt những thợ săn.
-Ông không thấy “run tay” trước những cảnh trói, nhổ răng đàn khỉ?
Trước cảnh đàn khỉ bị bẫy, trói hai tay quặt về sau lưng, thợ săn dùng kìm nhổ răng con khỉ đầu đàn, tôi cũng rất sốc. Nhưng tôi phải trấn tỉnh để những cảnh quay chân thực, tốt nhất. Khỉ là loài linh trưởng có tính tổ chức rất cao. Con khỉ đầu đàn có trách nhiệm nặng nề. Để bảo vệ đàn, nó có thể vào chỗ nguy hiểm, chết để đàn được an toàn.
Tôi muốn quay những thước phim chân thực, sinh động, sốc để chuyển đi hơn một thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã, lên án hành vi săn bắt động vật hoang dã...
-Cụ thể thông điệp đó là gì, thưa ông?
Thông điệp đó là cần phải đưa những người thợ săn nhập cuộc vào công việc nan giải là bảo vệ, thay vì để họ “tàn sát” động vật rừng như hiện nay.
Trước khi đưa đi dự liên hoan phim môi trường toàn quốc, lần thứ IV, tôi đã cho người thân trong gia đình, bạn bè xem phim. Rất nhiều ý kiến lên án hành vi “tội ác” rùng rợn của đám thợ săn, thậm chí đòi trừng phạt. Nhưng tôi nghĩ, săn bắt động vật rừng là một thực tế khách quan không thể chối bỏ.
Chúng ta bất bình với các thợ săn một, nhưng chúng ta phải lên án những kẻ buôn bán, phê phán những người sử dụng các sản phẩm động vật rừng mười. Trước khi chuyển sang làm phim, tôi đã có 10 năm lang thang trong rừng để chụp ảnh động vật rừng.
Tôi biết thợ săn chỉ là những nông dân bản địa nghèo. Để săn bắt được động vật rừng, họ phải ở chui rúc trong rừng, nhiều người bị sốt rét vật và mắc các loại bênh tật khác. Vì miếng cơm manh áo, họ phải mạo hiểm, chỉ có những kẻ buôn bán động vật rừng là lời lớn.
- Làm thế nào để “biến” những kẻ săn bắt thành người bảo vệ động vật rừng, thưa ông?
Theo tôi, phải cải thiện sinh kế cho những người thợ săn. Phải đưa họ tham gia vào các chương trình, dự án bảo vệ, bảo tồn động vật rừng. Họ phải được trả lương như một cộng tác viên tại chỗ. Như thổ công, thổ địa, không ai hiểu rõ động vật rừng hơn những thợ săn... Họ sẽ biết bảo vệ động vật rừng như thế nào.
Ông Lê Hoài Phương từng có 24 năm là cán bộ ngành kiểm sát tỉnh Bình Thuận. Năm 2009, ông xin về hưu trước tuổi và thành lập Công ty Điện ảnh Thiên nhiên Việt. Trước đó, tại Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ III, phim tài liệu nghệ thuật “Vàng Anh - Loài chim huyền thoại” của ông Lê Hoài Phương cũng giành giải cao nhất.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.