Sốc: Lời cầu cứu của cơ trưởng máy bay Indonesia ngay trước thảm kịch

Phương Đăng Thứ hai, ngày 29/10/2018 19:35 PM (GMT+7)
Cơ trưởng chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air đã liên lạc với sân bay Soekarno-Hatta,Jakarta và cầu xin sự giúp đỡ vài giây trước khi máy bay phản lực lao xuống biển với "tốc độ cực nhanh".
Bình luận 0

img

Cơ trưởng chuyến bay JT610 Bhavye Suneja là người Ấn Độ.

Theo báo Anh Mirror, máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610  đã liên lạc với sân bay Soekarno-Hatta của Jakarta chỉ vài phút sau khi cất cánh. 

Theo đó, cơ trưởng người Ấn Độ, Bhavye Suneja của máy bay đã thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp để xin sự giúp đỡ ngay trước khi 737 MAX 8 chở 189 người trên khoang lao xuống biển với tốc độ cực nhanh.

Người đứng đầu hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vụ tai nạn Boeing 737 MAX 8, ông Danang Priandoko đã xác nhận điều này khi nói rằng cơ trưởng Bhavya Suneja, 31 tuổi đã yêu cầu quay đầu về sân bay Soekarno-Hatta của Jakarta vài phút sau khi máy bay cất cánh.

Theo chuyên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, dữ liệu ban đầu cho thấy JT610 đã tăng độ cao lên khoảng 1.524 mét trước khi hạ thấp rồi bay lên lại và cuối cùng đâm xuống biển.

Lúc mất tín hiệu, phi cơ được cho là đang bay ở độ cao 1.113 mét và đã tăng tốc lên 345 hải lý/h (640 km/h).

Theo Flightradar 24, dữ liệu cuối cùng nhận được từ máy bay chỉ ra rằng, nó đang lao xuống với tốc độ cực nhanh. 

Chuyến bay JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air chở 189 hành khách khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, tới Pangkalpinang, tỉnh Bangka Belitung, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33 (giờ địa phương) sáng 29.10.

Ông Yusuf Latif, phát ngôn viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia cho hay, máy bay gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh và lao xuống vịnh Karawang, cách khoảng 3,7 km từ vị trí mất liên lạc với đài không lưu. Chiếc máy bay được cho là đã rơi xuống vùng nước có độ sâu khoảng 30 - 35 m. 

Ông Muhmmad Syaugi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Indonesia cho biết, khả năng 189 hành khách đều đã thiệt mạng. "Chúng tôi không biết liệu có ai sống sót. Chúng tôi hy vọng, cầu nguyện nhưng không thể xác nhận", ông Syaugi nói.

Hiện chưa rõ nguyên nhân máy bay rơi. Lúc xảy ra tai nạn, thời tiết thuận lợi. Chiếc máy bay gặp nạn mới được sản xuất năm 2018 và được Lion Air bắt đầu đưa vào sử dụng hôm 15.8. 

Ngoài ra, cơ trưởng chuyến bay JT610, Bhavye Suneja được nhận xét là một phi công có nhiều kinh nghiệm và chưa từng gặp sự cố hay tai nạn nào trong sự nghiệp. 

Anh Suneja sinh ra ở khu Mayur Vihar, phía đông thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Anh tốt nghiệp bằng lái phi công ở trường huấn luyện bay Bel Air International tại Mỹ năm 2009. Anh từng làm việc cho hãng Emirates vài tháng trước khi gia nhập hãng hàng không giá rẻ Indonesia Lion Air vào tháng 3.2011 và điều khiển máy bay Boeing 737.

Suneja có kinh nghiệm 6.000 giờ bay, trong khi cơ phó điều khiển máy bay gặp nạn là Harvino có 5.000 giờ bay.

Phó chủ tịch của một hãng hàng không Ấn Độ tiết lộ cơ trưởng Suneja đang có ý định quay về nước làm việc. 

Một số chuyên gia cho rằng máy phát định vị khẩn cấp (ELT) trên máy bay không hoạt động. Indonesia đã liên lạc với các nhà chức trách Australia để kiểm tra tín hiệu ELT nhưng không phát hiện tín hiệu nào bị chặn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem