Sóc Trăng: Rùng mình qua cầu tre Đình Tân Hội

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 19/07/2019 14:23 PM (GMT+7)
“Năm 2019 rồi, khi nơi nơi internet phủ sóng, nhà nhà sử dụng smartphone, còn bà con chúng tôi nơi đây vẫn phải đi lại bằng cầu khỉ hàng ngày. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có chiếc cầu xi măng để thuận tiện đi lại, con em yên tâm đến trường, không còn cảnh “cách li”, đó là nguyện vọng chung của các hộ dân ở ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Bình luận 0

Đầu tháng 7 vừa qua, PV Dân Việt về khảo sát chiếc cầu "bức xúc" tại kênh Đình Tân Hội, ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh. Theo quan sát, cầu Đình Tân Hội là chiếc cầu hết sức đặc biệt, tưởng chừng chỉ còn trong thơ ca.

Chiếc cầu này được bắt bằng vài cây tre lớn nhỏ và cây tạp. Thân cầu là một cây tre to nhất bằng bắp chân người lớn, đã cũ, được gác qua vài chiếc “trụ” bằng cây tạp; tay vịn bằng những cây tre nhỏ… và tất cả kết nối lại bằng những sợi dây tép nhựa, nan tre. Mỗi khi có người đi qua cầu, do sức nặng nên cây cầu quằn xuống thấp, đong đưa.

Khi trời mưa thì chiếc cầu tre rất trơn, khó đi.

img

img

Người già và trẻ nhỏ qua cầu rất nguy hiểm. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Trần Văn Côn, Phó ban Nhân dân ấp Tân Hội (trước đây gọi là Phó trưởng ấp), cho biết: Khoảng 3 năm trước do đã có tuyến đê bao chính nên tuyến đường giao thông nông thôn đi ngang khu vực này xáng cạp đứt để phục vụ thủy lợi nội đồng. Lúc này do địa phương chưa có kinh phí bắc cầu nên vận động bà con bắc tạm chiếc cầu tre để phục vụ đi lại. Cầu Đình Tân Hội phục vụ dân sinh khoảng 20 hộ dân với gần 80 khẩu, trong đó mỗi hộ đều có người già và học sinh đang tuổi đến trường.

“Thời gian qua nhiều lần bà con ở đây bức xúc do trẻ con đi học phải đi qua chiếc cầu tre rất nguy hiểm, có hôm có cháu nhỏ rơi xuống sông, may có người dân cứu kịp. Người già bệnh tật đi viện bằng ghe tàu; người dân mua bán nông sản cũng phụ thuộc thương lái vì xe không đi được tới nơi thu gom…

Có những hộ mua xe máy những phải gửi bên sông, muốn đi đâu thì đi qua cầu khỉ, mới lấy xe đi được. Trước khó khăn đó nên bà con làm đơn xin bắc cầu xi măng, tôi có trình với xã nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Côn nói.

Bà Diệp Thi Oanh, 65 tuổi, chia sẻ: Chồng bà bị bệnh tai biến mấy năm nay nên sức khỏe rất yếu, thường biến chứng bất ngờ vào ban đêm. Cứ mỗi lần như vậy con bà phải chạy đi mượn ghe chở ông qua sông rồi mới lấy xe (gửi nhà hàng xóm) chở ông đi bệnh viện. Khổ hơn là nhà bà còn có hai đứa cháu nội học tiểu học, hàng ngày con bà đi làm, bà phải túc trực hai buổi đưa cháu qua cầu đi học. Có hôm trời mưa, cầu trơn mà chân bà yếu không dám qua cầu nên bà cho hai cháu nghỉ học.

img

Bà con ấp Tân Hội làm việc với phóng viên trình bày những bức xúc kéo dài đã 3 năm. Ảnh: Hồng Cẩm

“Khổ quá cô ơi, nhìn qua bên sông thấy bà con bên đó con cháu đi học bằng xe, cần gì lên xe máy đi thuận tiện, nhanh chóng, còn bà con bên đây phải đi lại bằng ghe xuồng, đi bộ qua cầu khỉ rất nguy hiểm. Nên bà con ở đây ba năm qua chỉ mong mỏi có được chiếc cầu xi măng. Nếu được nhà tài trợ bắc cho chúng tôi rất mừng và mang ơn nhiều lắm”- Bà Oanh chia sẻ.

img

Đơn kiến nghị của bà con ấp Tân Hội. Ảnh: Hồng Cẩm

Còn anh Nguyễn Văn Hùng, cùng xóm bà Oanh chia sẻ: “Nhà tôi có mấy công đất trồng bưởi, hạnh và rau màu, hàng ngày thu hoạch xong nhiều thì chở bằng ghe ra chợ bán cho thương lái, ít thì phải chở qua sông, lấy xe máy rồi mới chở ra chợ bán được… Nếu có cầu xi măng, mình chở đi nhanh ra chợ, hoặc thương lái đến tận nhà mua thì quá thuận tiện rồi”.

img

Cây cầu tre chỉ còn trong thơ ca. Ảnh: Hồng Cẩm

Trao đổi với phóng viên về chiếc cầu Đình Tân Hội, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết: “Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần khảo sát, tiếp nhận đơn của bà con ấp Tân Hội, nhưng do tình hình địa phương còn rất khó khăn nên chúng tôi rất mong các nhà tài trợ, mạnh thường quân xem xét hỗ trợ cho địa phương bắc được chiếc cầu xi măng để bà con nơi đây không còn phải chịu cảnh “cách li” như hiện nay”.

Theo ông Hùng Anh cho biết, tuyến sông Đình Tân Hội nhỏ, nhưng nước sâu, chảy xiết. Đoạn sông khảo sát bắc cầu thay thế dài khoảng 15m, dự kiến nếu được nhà tài trợ, mạnh thường quân hỗ trợ sẽ bắc chiếc cầu xi măng dài 20m, ngang 1,5m, kinh phí khoảng 150 triệu đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem