Sôi nổi sưu tầm hiện vật tam nông

Thứ ba, ngày 27/08/2013 11:21 AM (GMT+7)
Cách đây 1 năm, Hội Nông dân (ND) Bình Định phát động phong trào sưu tầm hiện vật về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người ND.
Bình luận 0
Đáp lại, người dân ở khắp nơi trong tỉnh đã tự nguyện mang những vật dụng, nông cụ thiết thân với gia đình để gửi đến “chỗ ở” mới.

Sôi nổi hiến tặng


Vài ngày sau khi Chi hội ND thôn Luật Bình (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) phổ biến về hoạt động sưu tầm hiện vật mà Hội ND tỉnh đang phát động, người đầu tiên trong thôn hưởng ứng là bà Đinh Thị Bích Ngọc. Bà đã chủ động mang chiếc nồi 1 và ống nhổ ăn trầu bằng đồng đến nhà chị Huỳnh Thị Nhung - Chi hội trưởng ND thôn để hiến tặng. “Đây là 2 kỷ vật trong sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ chồng tôi, mấy chục năm qua vẫn được gia đình cất giữ, nay xin tặng lại cho Hội ND. Đồ đồng xưa cũng có giá trị vật chất chút ít nhưng tôi sẵn lòng đóng góp, để cùng với những bà con ND?khác giúp Hội ND chuẩn bị, thành lập phòng truyền thống” - bà Ngọc chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Tấn Minh- Chủ tịch Hội ND xã Phước Quang, toàn xã hiện đã sưu tầm được 9 hiện vật gồm mâm, thau, nồi đồng, cối giã gạo, vịt câu lươn… do ND ở các thôn Định Thiện Tây, Lộc Ngãi, Quảng Điền, Luật Bình hiến tặng. Số hiện vật này đã được chuyển về tập kết tại Hội ND huyện. Ngoài ra, qua tăng cường tìm hiểu, Hội ND xã phát hiện vẫn còn một số ít hiện vật quý tản mát trong các hộ gia đình, số hiện vật này sẽ được tiếp tục sưu tầm để bổ sung trước thời hạn tháng 10.2013.

Theo bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định: “Với mong muốn “ôn cố tri tân”, lưu giữ cho thế hệ sau những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật của các cấp Hội ND, chỉ trong thời gian ngắn, khởi động từ tháng 4 – 10.2012, kết quả hiện vật mà Hội ND tỉnh nhận được hơn mong đợi với gần 100 hiện vật, hình ảnh tư liệu từ các nơi trong tỉnh gửi về.
Ông Huỳnh Ngọc-Phó Chủ tịch Hội ND xã Tây Phú vui mừng khi sưu tầm được chiếc bít (lớn) và ui (nhỏ) để bổ sung,
hoàn chỉnh bộ đồ nghề nấu đường - một trong những nghề truyền thống lâu đời ở huyện Tây Sơn.

Tại huyện Tây Sơn, phong trào hiến tặng hiện vật cũng được đông đảo hội viên hưởng ứng. Các địa phương triển khai sâu rộng và đã có kết quả sưu tầm có thể kể đến là Bình Hòa, Bình Tường, Tây Bình, Tây Thuận, Tây Phú, Tây Vinh, Vĩnh An… Điểm nổi bật trong công tác sưu tầm hiện vật về nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở huyện Tây Sơn là thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu hiến tặng hiện vật của nhiều cán bộ hội.

Ông Trần Duy Hòa - Chủ tịch Hội ND xã Tây Thuận tặng 1 bộ dụng cụ che ép mía; ông Trần Lập - nguyên Phó Chủ tịch Hội ND xã Bình Hòa tặng 1 cối đá xanh 150 tuổi; ông Nguyễn Xuân Ninh- Phó Chủ tịch Hội ND xã Tây Vinh tặng 1 thùng tay đựng đường, cái vợt bọt mía và nài da trâu dùng để ép mía; ông Trà Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội ND xã Tây Bình “góp” 1 cái ú thường được dùng để muối mắm, dưa cà…

Lưu giữ một thời

Là quê hương của nghề làm mía, ép đường và nhiều ngành nghề thủ công khác, hiện vật sưu tầm được ở Tây Sơn khá phong phú, độc đáo về chủng loại và có giá trị về mặt niên đại. Non nửa ngày dự phần vào một chuyến sưu tầm hiện vật cùng cán bộ Hội ND huyện và xã Tây Phú, chúng tôi đã trải qua niềm vui khó tả khi tìm được các vật dụng rất có ý nghĩa. Đơn cử là cái bít và cái ui - 2 trong số 10 dụng cụ tạo thành bộ đồ ép mía, làm đường hoàn chỉnh, được tìm thấy tại nhà ông Năm Bàn ở thôn Phú Hiệp.

“Bộ đồ nghề làm đường bao gồm các bộ phận như bộ che (gồm 2 máng mâm, 2 dồi đàn, dây quấn dồi đàn), thùng tay, chảo (gồm chảo 2 và chảo 9), lồng, gáo, vợt, thùng lóng, bít, muỗng và ui. Từ năm 2012 đến nay, hiện vật sưu tầm từ các xã đưa về Hội ND huyện, tổng hợp lại vẫn chưa đầy đủ từng bộ phận, dụng cụ của bộ đồ nghề này, vì vậy Hội ND các xã chúng tôi đang phối hợp, tích cực tìm cho đủ bộ. Hôm nay Hội ND xã Tây Phú may mắn tìm được 2 cái bít, ui này, chủ sở hữu là ông Năm Bàn đã mất, được con cháu ông đồng ý hiến tặng”- ông Huỳnh Ngọc-Phó Chủ tịch Hội ND xã Tây Phú vui mừng nói.

Hay như chiếc vịt câu lươn mà ông Nguyễn Thông Hơn ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang (Tuy Phước) vừa tặng cho Hội ND tỉnh, cũng mang trong mình “câu chuyện lịch sử” của nó. “Đó là dụng cụ đánh bắt xa xưa nhất còn lại của gia đình, do ông nội tôi làm ra, sử dụng từ đời ông qua đời cha tôi đến tôi là thế hệ thứ 3. Ông và cha tôi là những thiện nghệ về câu lươn, một phần nhờ cái vịt “trăm phát trăm trúng” này. Nó có tuổi đời gần trăm năm và ghi dấu sự cần cù, khéo léo của người nông dân xưa, gia đình tặng vật kỷ niệm này cho Hội ND, mong nó sẽ được bảo quản tốt hơn” - ông Hơn tâm sự.

Theo ông Bùi Tĩnh - cán bộ phòng nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, các vật dụng trong sinh hoạt, công cụ để đánh bắt, sản xuất… phần đông người dân không để tâm bảo quản, giữ lại, nên rất dễ bị thất lạc, hư hỏng. Cùng một nội dung hiện vật nhưng mỗi vùng lại có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, việc tổ chức sưu tầm, đi sâu tìm hiểu và đưa vào trưng bày sẽ góp phần dựng lại bức tranh về nông nghiệp, nông thôn và nông dân Bình Định từ trong quá khứ. “Đây là chủ trương ý nghĩa, kịp thời, nếu chỉ để chừng vài năm nữa, công tác sưu tầm càng khó khăn vì hiện vật bị hao hụt qua thời gian” - ông Bùi Tĩnh nhấn mạnh.

Khải Thư (Khải Thư)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem