Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị bàn việc giải cứu nông, thuỷ sản cho khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những nội dung mang tính chiến lược quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị. Trong thời gian tới, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực quan trọng, làm sao phải phát triển bền vững, mục tiêu lâu dài làm cho người dân ngày càng thu nhập ổn định, đời sống ngày càng tốt hơn”.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
“Phải tiếp tục mở rộng tìm kiếm thị trường, đây là điều hết sức quan trọng, tiếp tục thực hiện tín dụng cho sản xuất, thu mua, xuất khẩu. Các địa phương kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự cơ cấu sắp xếp lại sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai các chính sách khuyến nông, khuyến ngư, những chính sách hỗ trợ chính đáng cho doanh nghiệp người dân khi gặp rủi ro” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Kết luận chỉ đạo kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp Hiệp hội đấu tranh với các nước trước việc áp đặt vô lý về các mặt hàng lúa gạo, thủy sản. Về lâu dài triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó thực hiện lại quy hoạch sản xuất, đây là vấn đề quan trọng, phải gắn với cung-cầu thị trường, gắn vào mục tiêu nâng cao hiệu quả. Đi theo đó cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi sản phẩm có hiệu quả hơn trên tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.
Cần có sự hỗ trợ, nhất là về hạ tầng kinh tế, xã hội, hỗ trợ về vốn đầu tư, nghiên cứu thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những lúc giá giảm sút để duy trì ổn định cho người dân
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Song song đó, cần phải lựa chọn những sản phẩm, mức độ sản xuất cung ứng phù hợp với thị trường trong nước và thế giới. Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xem quy hoạch như thế nào, trên từng địa bàn. Bộ Công Thương có thông tin về thị trường, cân đối cung-cầu để có căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất trong từng giai đoạn. Quy hoạch theo vùng, liên kết vùng đây là vấn đề rất lớn, rất khó. Đồng thời, cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với người dân cả đầu vào, sản xuất, tiêu thụ. Đề nghị VFA, nghiên cứu vấn đề gắn kết giữa sản xuất chế biến tiêu thụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Nhà nước cần có sự hỗ trợ, nhất là về hạ tầng kinh tế, xã hội, hỗ trợ về vốn đầu tư, nghiên cứu thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những lúc giá giảm sút để duy trì ổn định cho người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cung ứng, đặc biệt là về giống góp phần xây dựng thương hiệu. Vận động người dân thay đổi tư duy phương thức lại sản xuất, tuyên truyền, vận động, đào tạo theo công nghệ mới. “Mong rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp, địa phương, cùng Chính phủ kiến nghị đưa ra được những chính sách, giải pháp căn cơ để tiếp tục thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững trong tương lai”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đức Khánh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.