Sơn La: Bí quyết trồng nhãn ghép "đẻ" trên 300 triệu đồng mỗi năm
Sơn La: Bí quyết trồng nhãn ghép "đẻ" trên 300 triệu đồng mỗi năm
Tuệ Linh
Thứ sáu, ngày 17/07/2020 13:14 PM (GMT+7)
Bằng 1 bí quyết nhỏ, ông Duân đã bắt vườn nhãn ghép hơn 2ha của mình “đẻ” ra hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Vậy bí quyết trồng nhãn ghép ra sai quả của lão nông huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La này là gì?
Clip: Vườn nhãn ghép cho thu nhập cao của ông Vì Văn Duân ở bản Cang, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Cách đây khoảng 60 năm, cây nhãn được người dân Hưng Yên mang lên trồng tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Vài năm trở lại đây, người dân Sông Mã đã chuyển đổi từ trồng các loại cây lương thực sang trồng cây nhãn ghép. Trong số này, hộ ông Vì Văn Duân là một ví dụ điển hình làm giàu từ cây nhãn.
Nhà ông Duân ở bản Cang (xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Trò chuyện với chúng tôi, ông Duân nhớ lại: "Cách đây 15 năm, người dân bản Cang trồng chủ yếu cây lúa, ngô, sắn. Thời cây ngô còn được giá, tôi và nhiều hộ dân cũng có nguồn thu nhập ổn định. Sau đó, giá ngô xuống dốc không phanh. Công sức bỏ ra thì nhiều nhưng doanh thu không đủ bù chi phí...".
Vì những lý do đó, cuộc sống của nhiều hộ dân trồng ngô dần rơi vào cảnh khốn khó. Bà con xã Chiềng Cang bắt đầu đi tìm những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây nhãn.
"Mỗi lần ra quốc lộ 4G bán nông sản, chúng tôi thấy dòng xe tải nối đuôi nhau từ các tỉnh miền xuôi đang tấp nập về đây thu mua nhãn cho bà con. Giá bán nhãn cao gấp 6, 7 lần so với ngô, sắn. Chỉ vài năm sau, các hộ dân trồng nhãn này xây được nhà lầu, mua được xe hơi...", ông Duân nhớ lại.
Thấy vậy, Vì Văn Duân cùng một số anh em tìm đến các hộ trồng nhãn học hỏi kinh nghiệm và mua giống nhãn về trồng. Sau chục năm trồng nhãn, từ trông nhãn cỏ, đến nhãn ghép đến nay, gia đình ông Duân có 2ha nhãn Miền Thiết-1 trong những giống nhãn đặc sản của tỉnh Hưng Yên...
Ban đầu gia đình ông Duân trồng 100% giống nhãn cỏ. Về sau, khi được cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân đào tạo, tập huấn và đưa đi tham quan một số mô hình trồng nhãn ghép điển hình trên địa bàn huyện Sông Mã, ông Duân ghép cải tạo 2ha nhãn cỏ bằng giống nhãn Miền Thiết.
Theo ông Duân, bản Cang chủ yếu là đất dốc nhưng do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây nhãn sinh trưởng và phát triển rất tốt.
"Ghép nhãn Miền Thiết vào giống nhãn cỏ chỉ sau 2 năm là cho thu hoạch. Năm đầu tiên, gia đình tôi thu được 10 tấn quả. Năm thứ 2, thứ 3 trở đi, tôi thu được trên 20 tấn quả. Với giá bán nhãn trung bình 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm...", ông Duân phấn khởi nói.
Trước đây, trồng nhãn cỏ, mỗi năm gia đình ông Duân chỉ thu được 3 đến 4 tấn quả. Sau khi ghép nhãn Miền Thiết, mỗi năm gia đình thu được hàng chục tấn quả. Nhờ trồng nhãn Miền Thiết, gia đình ông Duân có cuộc sống khá giả, con cái được học hành đến nơi đến chốn...
Tiết lộ bí quyết trồng nhãn ghép, chăm sóc nhãn, ông Duân cho biết: "Tháng 11 hằng năm, sau khi thu hoạch quả nhãn xong, tôi cắt tỉa cành, tạo tán, xới đất quanh gốc và bón phân cho từng gốc nhãn. Đến khi cây nhãn ra hoa, đậu quả non, tôi lại bón thêm một lần phân....".
Trung bình, một năm, ông Duân bón khoảng 4 – 5 lần phân cho vườn nhãn. Ông lưu ý, thời kỳ nhãn ra quả non, trên mỗi cành cần cắt bớt đi một lượng quả nhất định. Làm như vậy, quả nhãn khi thu hoạch mẫu mã không những đẹp mà chất lượng cũng tốt hơn.
Với mong muốn cung cấp sản phẩm nhãn an toàn ra thị trường và tạo đầu ra tiêu thụ ổn định cho vườn nhãn của mình, đầu năm 2020, ông Duân đã tham gia Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Điểm Mười. Hiện, ông Duân cùng với các thành viên trong HTX đang chăm sóc diện tích nhãn theo hướng VietGAP.
"Dự kiến, hết vụ nhãn năm nay, tôi thu được khoảng 25 tấn quả. Với giá bán từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg như hiện tại, gia đình tôi thu khoảng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, thuê nhân công lãi khoảng 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng", ông Duân tự tin cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.