Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La 28.10 được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thỏa thuận và khởi công vào đầu năm 2018. Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất là 15,93 ha, tại xã Tông Lệnh.
Với tổng mức đầu tư 109,114 tỷ đồng, Nhà máy có công suất chế biến 9.000 tấn mủ/năm, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 đầu tư năm 2018: Dây chuyền chế biến mủ SVR 10, 20, công suất 6.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 đầu tư vào năm 2020: Dây chuyền chế biến mủ RSS, công suất 3.000 tấn/năm.
Nhà máy chế biến cao su Sơn La được khởi công vào tháng 6.2018
Ông Hồ Anh Đức – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, cho biết: Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28.10 sử dụng một phần thiết bị trong nước, được đầu tư mới hoàn chỉnh phù hợp với qui mô và mục tiêu tiết kiệm, tận dụng tối đa những thuận lợi về địa hình, hiện trạng khu đất và cơ sở hạ tầng của khu vực xung quanh, đồng thời lựa chọn sản phẩm phù hợp với định hướng của ngành và của thị trường.
Nhà máy được vận hành 10 tháng trong năm, với mục tiêu đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ vườn cây của công ty trong những năm tới và sản lượng của các công ty chưa có nhà máy chế biến ở khu vực Tây Bắc.
Sau hơn 4 tháng đầu tư xây dựng, cuối tháng 10.2018, Nhà máy chế biến cao su Sơn La đã hoàn thành giai đoạn 1
“Sau hơn 4 tháng khởi công xây dựng, trước sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh Sơn La và sự cố gắng của các đơn vị thi công, Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28.10 đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Khi nhà máy đi vào hoạt động, giá trị nguyên liệu mủ cao su tăng gấp 4 lần, từ 1 tấn mủ đông với giá khoảng 10 triệu đồng sau chế biến sẽ tăng lên 40 triệu, đồng thời giải quyết được 200-250 lao động” – ông Đức nhấn mạnh.
Nhà máy chế biến cao su của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La có công suất 9.000 tấn mủ/năm.
Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay: Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện đa mục tiêu, vừa góp phần nâng cao độ che phủ rừng, vừa đảm bảo hệ sinh thái rừng, hạn chế tình trạng cháy rừng, lũ quét, lũ ống xảy ra. Cây cao su góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, là đòn bẩy trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
“Việc đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến cao su Sơn La thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Sơn La và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định sự thành công của Tập đoàn khi đầu tư tại tỉnh” – ông Minh khẳng định.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 6.000ha cao su
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, phấn khởi cho biết: Sơn La là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ủng hộ phát triển cây cao su ở khu vực Tây Bắc. Nhà máy chế biến cao su Sơn La là nhà máy đầu tiên ở vùng miền núi phía Bắc. Nhà máy hoàn thành trước kế hoạch hơn 3 tháng, chi phí đầu tư xây dựng cũng giảm so với dự kiến.
Nhà máy chế biến đi vào hoạt động góp phần giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị sản phẩm cao su của Công ty CP Cao su Sơn La, đồng thời cũng góp phần nâng cao được đời sống, thu nhập của công nhân và người dân góp đất trồng cao su…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.