Sơn La: Lũ cuốn sạch 1.000 con vịt trời, gượng dậy nuôi thỏ trắng

A Lử Thứ năm, ngày 12/12/2019 13:08 PM (GMT+7)
Đang ăn nên làm ra từ mô hình nuôi hơn 1.000 con vịt trời bên cạnh dòng suối Chiến hiền hòa, nhưng do cơn lũ quét lịch sử xảy ra vào rạng sáng 3/8/2017 đã lấy đi mọi thứ của gia đình bà Lò Thị Mai, bản Chiến (xã Chiềng San, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Sau lũ dữ, bà Mai gượng dậy chuyển sang nuôi thỏ. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi tháng bà Mai bỏ túi khoảng 15 triệu đồng.
Bình luận 0

Sau khi đàn vịt trời – nguồn sinh kế duy nhất của gia đình bị cuốn bay bởi cơn lũ lịch sử, không chịu khuất phục trước khó khăn, sau nhiều lần tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuối năm 2017, bà Mai cùng con trai xuống Hà Nội mua 20 con thỏ sinh sản và 5 con thỏ đực New Zealand về nuôi.

img

Từ nuôi thỏ, mỗi tháng bà Mai lãi khoảng 15 triệu đồng.

Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm chuồng trại nuôi thỏ, bà Mai bảo: Nuôi giống thỏ này sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhà nuôi được bao nhiêu khách khuân hết đến đó.

Theo quan sát của chúng tôi, khu nuôi thỏ của bà Mai được bố trí khá bài bản. Từng ngăn lồng được bà Mai kẹp theo những tờ giấy ghi chép cẩn thận lại các số liệu để tiện theo dõi quá trình sinh đẻ, phát triển của từng đàn thỏ.

img

Đàn thỏ con được bà Mai quây kín chuồng trại để giữ ấm.

Chỉ tay vào đàn thỏ béo tốt của gia đình, bà Mai cho biết: Sau một thời gian nuôi, tích lũy được kinh nghiệm, vốn liếng tôi mở rộng thêm diện tích chuồng trại và đầu tư thêm con giống nuôi theo quy mô lớn. Nuôi thỏ ở vùng cao này khá nhàn, thức ăn chủ yếu là rau khoai lang, cỏ voi, rau các loại... Để cung cấp đủ dinh dưỡng cho thỏ, tôi đầu tư máy ép cám gạo, ngô, sắn, cá thành cám viên nên hạn chế được nhiều chi phí.

img

Những mẩu giấy ghi chép số liệu sinh đẻ, phát triển của đàn thỏ.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn thỏ phát triển nhanh, nuôi được 3 tháng, đàn thỏ đã bắt đầu sinh sản. Sau hơn một năm nuôi, đến nay, gia đình tôi có gần 80 con thỏ sinh sản và trên 400 con thỏ thương phẩm.

“Giống thỏ này rất mắn đẻ. Mỗi năm thỏ đẻ từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa từ 6 - 10 con. Một tháng, tôi tách thỏ con khỏi thỏ mẹ để nuôi riêng rẽ. Sau hơn 4 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng trên 2 kg là có thể xuất bản được. Tính trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán ra thị trường trên 3 tạ thỏ thịt. Với giá 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thuốc thang, thức ăn tôi lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng” – bà Mai phấn khởi.

img

Tận dụng diện tích vườn khoai lang của gia đình, bà Mai hái lá khoai cung cấp thức ăn cho đàn thỏ để hạn chế chi phí mua thức ăn bên ngoài.

Theo bà Mai: Nuôi thỏ New Zealand không khó như nhiều người nghĩ. Để đàn thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ, mỗi ngày vệ sinh chuồng trại một lần. So với các loại vật nuôi khác, nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập.

img

Đàn thỏ của gia đình bà Mai được chăm sóc cẩn thận nên con nào con nấy đều phát triển rất tốt.

Có thể nói, bằng sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, bước đầu, bà Mai đã thành công trong mô hình nuôi thỏ New Zealand, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và là tấm gương để các hộ nông dân khác noi theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem