Sông Đà cạn tới mức nào thì nguồn cung nước sạch Thủ đô bị đe dọa?

Tất Định Chủ nhật, ngày 18/06/2023 16:31 PM (GMT+7)
Trường hợp Nhà máy Thủy điện Hoà Bình không thể vận hành tổ máy, cửa xả trong 3 ngày, nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 1 triệu dân Thủ đô sẽ dừng hoạt động.
Bình luận 0

Ngày 18/6, theo báo cáo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc đã vượt mực nước chết. Tại hồ Hòa Bình là 102.61/80m (quy định mực nước tối thiểu 81.9 m). 

Tuy nhiên, dự báo thời tiết, từ ngày 18/6, miền Bắc tăng nhiệt trở lại và duy trì nền nhiệt 36-37 độ C trong gần một tuần. Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện thấp, dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao. Các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành. 

Sông Đà cạn tới mức nào thì nguồn cung nước sạch Thủ đô bị đe dọa?  - Ảnh 1.

Trạm bơm khẩn cấp của Viwasupco lấy nước từ giữa dòng sông Đà, đoạn xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tất Định.

Nhiều người dân lo ngại về tình trạng sông Đà cạn nước, lưu lượng xả thủy điện thấp ảnh hưởng đến nguồn cung nước mặt cho Hà Nội. 

Trả lời PV Dân Việt, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho hay, đơn vị đã dự trù phương án ứng phó bằng việc lắp đặt Trạm bơm khẩn cấp, lấy nước từ giữa dòng sông Đà (đoạn kênh xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) từ tháng 1/2023.

Hiện Thủy điện Hòa Bình xả xuống hạ du với lưu lượng tối thiểu 214m3/s theo đúng Quy trình Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Sông Hồng. Lưu lượng này tương đương với 70% lưu lượng chạy một tổ máy 240 MW của Thuỷ điện Hoà Bình (Nhà máy có 8 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 240 MW). 

Theo đại diện Viwasupco, mực nước dâng của Thuỷ điện Hoà Bình hiện đang cao hơn mực nước chết 22,66m thì việc xả xuống hạ du với lưu lượng 214m3/s là đảm bảo khả thi. Trước đây, khi đơn vị này chưa dựng Trạm bơm khẩn cấp, để lấy đủ nước cho Khu xử lý với công suất 300 nghìn m3/ngày đêm thì thuỷ điện Hoà Bình phải xả xuống hạ du tối thiểu 1000 m3/s (gần gấp 5 lần so với yêu cầu 214m3/s như hiện nay). 

Ngoài việc lắp Trạm bơm khẩn cấp, hồ Đầm Bài (hồ lắng Nhà máy nước sạch sông Đà) có dung tích 1 triệu m3, có thể sản xuất được nước sạch trong 3 ngày mà không cần lấy nước từ sông Đà qua Trạm bơm khẩn cấp. 

Sông Đà cạn tới mức nào thì nguồn cung nước sạch Thủ đô bị đe dọa?  - Ảnh 2.

Sông Đà đang cạn nước kỷ lục trong nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Trừ trường hợp Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình gặp sự cố không thể vận hành được các tổ máy, không vận hành cửa xả đáy, xả mặt trong 3 ngày thì chúng tôi mới không có nước thô sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp giả định, chứ không thể xảy ra được. Chính vì vậy, việc sản xuất nước sạch với công suất thiết kế 300.000 m3/ngày đêm, trong năm nay và các năm tiếp theo chắc chắn vẫn đảm bảo", đại diện Viwasupco khẳng định. 

Viwasupco đang cấp khoảng 300.000 m3 nước một ngày đêm, phục vụ người dân 10 quận, huyện phía tây nam Thủ đô gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.

Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) dài hơn 900 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.

Đoạn ở Việt Nam dài 527 km (có tài liệu ghi 543 km), điểm đầu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chảy qua Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và kết thúc tại ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trên sông Đà có hệ thống thủy điện bậc thang Sơn La công suất 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW, Hòa Bình 1.920 MW.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem