Sống khổ giữa vùng tranh chấp

Thứ hai, ngày 29/03/2010 22:37 PM (GMT+7)
NTNN - Hàng chục năm qua, hàng trăm hộ dân phải sống khổ giữa những vùng đất đang tranh chấp giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Đời sống của họ thực sự là một chuỗi dài những bi kịch.
Bình luận 0

img
Trường mẫu giáo của thôn Phú Kinh Phường "đắp chiếu",  khiến trẻ em trong thôn không được  tới trường.

Đất một nơi, người một xứ

4 thôn thuộc các xã của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nằm sâu trong địa phận các xã của huyện Phong Điền (Thừa Thiên -Huế). Người ta gọi đây là những thôn lẻ loi, bởi cách xã tới 30 - 40km.

 

Bỏ rơi dân nghèo         

Thôn Phú Kinh Phường của xã Hải Hòa (huyện Hải Lăng) nằm co cụm giữa thung lũng cằn cỗi được bao bọc bởi hai quả núi, thuộc địa phận xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Toàn thôn có 40 hộ dân với hơn 300 khẩu.

Anh Nguyễn Văn Sum - trưởng thôn kể, vì trụ sở xã nằm ở quá xa, nên việc giao dịch giữa chính quyền với người dân không khác nào cực hình. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều là hộ nghèo, rất hiếm có xe máy, đường sá lại khó khăn, nên mỗi lần có việc về xã thì phải đạp xe mất nửa ngày trời.

Tiền trợ cấp trưởng thôn của anh Sum mỗi tháng chỉ được 200 nghìn, không đủ để chi phí xăng xe và ăn uống cho dăm lần về xã trong tháng. Nghặt nghèo là vậy nhưng mọi sự liên lạc giữa xã với thôn đều trông chờ vào anh nên anh không thể cắt đứt liên lạc với xã.

Chúng tôi đang trò chuyện thì bắt gặp một phụ nữ lớn tuổi gầy guộc, đen đúa, hì hục đạp chiếc xe đạp cũ nát leo lên con dốc rồi dừng lại thở thốc tháo. Anh  Sum bảo đó là bà Lê Thị Tươi (57 tuổi) mới đi ra xã khám bệnh về.

Một nghịch lý đang xảy ra ở thôn Phú Kinh Phường là người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng không dám đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm. Nguyên nhân cũng do đường từ thôn về xã quá xa, chi phí đi đường gấp cả chục lần tiền thuốc thang nhận được.

Công văn từ xã, huyện gửi về thôn mất vài ba ngày trời mới đến là chuyện thường. Nhiều lần trên địa bàn có dịch bệnh trên vật nuôi, xã, huyện gửi công văn chỉ đạo xử lý, nhưng khi công văn về đến thôn thì vật nuôi nhiễm bệnh đã được bán sạch.

Tới thôn này, chúng tôi còn bắt gặp hàng chục người dân từ già đến trẻ đang ngồi bệt hai bên đường thôn để chờ bốc cát sạn thuê cho các xe tải từ thị trấn Phong Điền lên. Bà Lê Thị Gái, một người bốc cát sạn thuê ở đây cho biết, mỗi ngày hai vợ chồng bà kiếm được 40- 50 nghìn đồng.

Mọi sinh hoạt trong gia đình, từ cơm gạo cho đến tiền học của con cái đều dựa vào số tiền này. "Đó là những ngày trời nắng, trời mưa xe không lên chở cát sạn thì không kiếm được đồng mô hết, phải ăn sắn khoai thay cơm"- bà Gái buồn đã.

Được biết, diện tích đất rừng ở Phú Kinh Phường là khá lớn, nhưng đã được xã Hải Hòa dùng trồng rừng lồ ô chứ không chia cho dân. Hàng năm xã Hải Hòa lên thu hoạch lồ ô, thu về cả trăm triệu đồng, nhưng đời sống người dân thôn này thì họ bỏ rơi.

Mịt mờ con chữ

4 thôn ở huyện Hải Lăng nằm sâu trong huyện Phong Điền là thôn Phú Xuân B (xã Hải Xuân), thôn Bến Trải (xã Hải Chánh), Phú Kinh Phường (xã Hải Hòa) và thôn Tân Phương Lang (xã Hải Ba).

Thôn Tân Phương Lang của xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) cũng trong tình trạng tương tự. Những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp run lên theo những đợt gió, phên và tre va vào nhau tạo nên những âm thanh nháo nhác.

Mời chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế đã oải mục đặt trong ngôi nhà lỗ chỗ những vết thủng nhìn thấu trời, chị Nguyễn Thị Hiền quệt nước mắt nói: "Cả nhà có 6 miệng ăn nhưng không ruộng đất và nghề nghiệp nên luôn trong cảnh bữa đói bữa no. Hai đứa con đầu của tui phải bỏ học từ năm lớp 5 để cùng bố mẹ đi làm thuê".

Phải làm thuê làm mướn mới có cái ăn là chuyện của cả thôn Tân Phương Lang chứ không riêng gì gia đình chị Hiền. Hầu hết các hộ dân trong thôn không có ruộng đất nào khác ngoài phần đất ở khiêm tốn.

Trước đây, vì quá túng bấn, người dân trong thôn vào khai hoang được 60ha đất tại khu vực hố Da Đen, nhưng sau đó diện tích này đã bị xã Phong Thu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) tịch thu vì thuộc quản lý của xã này. Là nông dân nhưng không có đất đai, nghề nghiệp để mưu sinh nên đời sống của người dân nơi đây trượt dài trong những chuỗi ngày cùng cực. 

Dù không có đất đai, nghề nghiệp nhưng người dân lại đẻ con đàn cháu đống. Ở đây, bình quân mỗi cặp vợ chồng có từ 6-7 đứa con, nhiều cặp sinh đến 9 đứa.

Chúng tôi tạt vào ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình anh Hoàng Qua, một trong những gia đình đông con nhất thôn Phú Kinh Phường. Vợ chồng anh Qua có đến 9 đứa con đều còn nhỏ, mỗi đứa chào đời cách nhau một năm.

"Nhà chật chội nên giờ không có chỗ cho chúng ở. Nhiều khi tui không nhớ hết tên từng đứa"- anh Qua thành thật.

Con cái đông đúc trong khi đời sống ngặt nghèo là nguyên nhân khiến trẻ em thất học rất sớm. Gia đình anh Nguyễn Đăng Thái có 9 đứa con thì cả 9 đứa đều phải nghỉ học sớm.

"Không học mẫu giáo nên khi trẻ em ở đây qua trường của xã Phong Mỹ xin vào cấp 1 họ không nhận, những đứa được nhận cũng bỏ học sớm vì không theo kịp chương trình"- chị Nguyễn Thị Thùy- một người dân cho biết.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem